Bùi Xuân Phái Con Mắt Của Trái Tim - Nhiều Tác Giả
Quyển sách mà bạn đang cầm trên tay là một tuyển tập bao gồm 25 bài viết về hội họa Bùi Xuân Phái của 14 nhà nghiên cứu và phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Mỗi người nhìn tranh ông và cuộc đời ông dưới một góc độ khác nhau, đem lại cho chúng ta những cảm nhận và hiểu biết rất mới mẻ và phong phú.
Các bài viết được in kèm tranh Bùi Xuân Phái, với số lượng lên đến hơn 165 tác phẩm.
Còn chờ gì nữa, bạn hãy khám phá những câu chuyện, những khảo cứu rất hấp dẫn và sâu sắc về hội họa Bùi Xuân Phái cũng như cuộc đời danh họa.
14 tác giả bài bao gồm:
Văn Cao
Nguyễn Tuân
Thái Bá Vân
Dương Tường
Ngô Văn Tao
Nguyễn Quân
Nguyễn Thụy Kha
Phan Cẩm Thượng
Bùi Thanh Phương
Trần Hậu Tuấn
Nguyễn Bá Đạm
Hoàng Anh
Feffrey Hatover
Francois Thierry
Đoạn trích:
“Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
Tôi gửi bài thơ về
Phố Phái
Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh
Một góc phố Hà Nội
Một góc phố Việt Nam…”
Văn Cao
“Riêng Bùi Xuân Phái, chưa mấy ai nghe anh tuyên ngôn này tuyên ngôn nọ về trường phái gì gì, mà chỉ thấy anh vẽ và vẽ. Vẽ ở toan (toile) căng khung to, vẽ trên giấy cỡ nhỏ hơn bìa tiểu thuyết, vẽ trên giấy bìa hộp mứt bỏ đi, có bạn tỏ vẻ am tường tiếng Pháp, còn gọi là minipeinture, vẽ cả trên những miếng giấy cứng nhỉnh hơn bao diêm. Sơn dầu, thuốc nước, bột màu, đủ cả. Anh vẽ như con người ta phải hít thở, như người ta phải uống nước đun sôi nước nguội men nồng. Sổ tay của Bùi Xuân Phái ghi và ghi những nét của vật, của việc của người lúc động lúc sững lại. Cái miệng cái cổ cái cánh tay bàn tay ai đó đang phát ngôn giữa một buổi họp. Cái dáng một cô áo đỏ một bà áo xanh đang dấn thân vào tim một ngã tư ầm ầm xe máy xe đạp”. - Nguyễn Tuân
“Nhiều khi tôi thấy bảng màu Bùi Xuân Phái khẽ rung như cánh bướm vàng trên bãi cỏ xanh, mơ mộng, nhớ nhung như đứa trẻ trước đời sống hồn nhiên vụng dại, mà cuối nó là lòng tin sâu sắc vào một cái gì tươi sáng, hân hoan. Hội họa của anh báo hiệu, nhiều khi là bất ngờ, chứ không dông dài giải thích. Nó sống tự tại nhiều hơn là đuổi theo, khéo léo bắt chước cái bề ngoài tương tự”. - Thái Bá Vân (Trích tác phẩm)