Học giả Nguyễn Quảng Tuân trước lúc mất ít lâu (ngoài 90 tuổi) có đưa cho chúng tôi bản thảo Các Khúc Ngâm Thế Kỷ XIX. Đây là một cuốn sưu tầm, khảo thích có giá trị về văn học cổ điển. Đến nay, chúng tôi mới có điều kiện để in và phát hành.
Các khúc ngâm (trường ca trữ tình) bên cạnh các trường ca tự sự (truyện Nôm) là hai thể loại đặc trưng cho văn học cổ - trung đại, chủ yếu là vào thế kỷ 18 - 19. Thể loại văn học là một hình thức văn học rất rắn chắc và ít biến đổi. Nó ôm chứa một nội dung rộng lớn, đa dạng của thời đại - con người, và như vậy, nó không chỉ là hình thức của văn học mà là một hình thức có tính nội dung. Các khúc ngâm mà ta nói tới ở đây mang tâm tình của con người Việt Nam thế kỷ ấy (chiến tranh, ly loạn, chia ly, buồn giận, thương tiếc, bi ai…). Nó đi vào tâm trạng con người và là một bước đổi mới lớn lao của văn học so với trước đó. Con người nội tâm xuất hiện trong văn học và sự chú ý đến cái tôi của văn học là một bước tiến trên con đường thể hiện con người toàn diện, trên con đường của chủ nghĩa nhân đạo.
Ảnh hưởng của các khúc ngâm cổ điển trong văn học dân tộc là rất quyết định, rất to lớn. Đó là một thể loại cổ điển, và trong nhiều thế kỷ, nó đã để lại những dấu ấn quan trọng trong người đọc. Nhưng thể loại, theo quy luật sinh thành, phát triển và tàn lụi của nó, đến nửa cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đã nhường chỗ cho các thể loại hiện đại khác.