Trong bao câu chuyện xuyên suốt nền văn minh của loài người, cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm, giữa cái đẹp được định dạng và bản năng cuồng dại, giữa quy củ đạo đức và khát vọng nổi loạn đã được nhắc đến không chỉ một lần. Những mặt đối lập đó chính là yếu tố để con người trở nên “người” hơn, và biến cuộc đời thành cuộc chiến không bao giờ có điểm kết thúc với chính bản thân mình.
Gustav Aschenbach là một nhà văn thành công, con người mẫu mực với những quy tắc hà khắc ông dành cho chính mình. Chính vì vậy, tác phẩm của Aschenbach thấm đẫm tinh thần trọng nghĩa khinh tài, khả năng kiên tâm gìn giữ đạo lý vượt lên trên mọi hiểu biết uyên thâm. Một Aschenbach như thế đã không còn bồng bột hay vô tư, say mê hay biểu cảm – những yếu tố vốn là cội nguồn của nghệ thuật.
Và rồi mọi thứ thay đổi vì một chuyến du lịch.
Venice, thành phố với vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi nửa thần thoại, nửa cạm bẫy là nơi cảm xúc của Aschenbach được đánh thức và bùng cháy. Sau những xấu xí mà đôi mắt quy củ khắt khe sống cùng trái tim nguội lạnh cảm xúc đã nhìn thấy, Venice lại đem đến những khoảnh khắc bừng sáng trong ánh nắng bên bờ biển, trên những con đường cũ kỹ cổ kính, bên những quán cà phê nơi quảng trường vắng lặng.
“Chết ở Venice”là cuộc chiến giữa thần mặt trời Apollo và thần rượu vang Dyonisos thể hiện trong chính con người Gustav Aschenbach.
Ban đầu chỉ là sự cuốn hút của cái đẹp. Như một nhà văn mê đắm ngôn từ có thể lột tả được vẻ đẹp thần thánh của Tadzio, Aschenbach si mê bằng lý trí và bằng những giới hạn đạo đức của mình. Ông bình thản quan sát, bình tĩnh lướt qua, vừa lòng với những gì có thể thấy và đoán được mà không cần phải can thiệp. Tadzio như một vật mẫu để ông phác họa câu chuyện và cảm xúc của mình cho những áng văn chương mà biết đâu sẽ được viết sau khi chuyến du lịch kết thúc. Chỉ là Aschenbach đã sống quá lâu trong khuôn khổ, trong đức hạnh, nên cảm xúc – cũng giống như khi nó thôi thúc ông đi tìm tự do và sự thoải mái bằng một chuyến du lịch – bùng nổ và không thể kiểm soát được nữa.
Tadzio, cậu bé với nét đẹp mà không ngôn từ nào có thể diễn tả đã ghi một dấu ấn điên dại trong cuộc đời gần đến hồi kết của nhà văn già nua. Gạt bỏ những trói buộc, không quan tâm đến những áy náy với tổ tiên, Aschenbach yêu chỉ là yêu, vừa lòng chỉ với mỗi khi chạm mắt cùng người yêu, hạnh phúc với những quan sát lén lút đáng hổ thẹn, muốn chiếm hữu nụ cười rực rỡ khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải si mê.
“Kẻ đem lòng yêu cao cả hơn kẻ được yêu, vì cái thần ẩn trong kẻ yêu người chứ không phải người được yêu – có lẽ đó là tư tưởng tế nhị nhất mà cũng mai mỉa nhất tự cổ chí kim, là nguồn gốc nảy sinh mọi thủ đoạn xảo quyệt và lạc thú thầm kín của ái tình.”
Trong “Chết ở Venice” những mặt đối lập được đặt cạnh nhau thật hoàn hảo. Một Aschenbach khinh thường gã đàn ông lớn tuổi cố cưa sừng làm nghé để hòa mình một cách lố bịch vào những chàng trai trẻ, mù quáng che đậy dấu vết già nua của chính mình để rũ bỏ tự ti vì người tình trẻ tuổi. Chính quyền Venice che đậy bệnh dịch vì tiền bạc và lợi ích kinh tế cũng có khác gì một nhà văn già nua biết rõ bệnh dịch nguy hiểm nhưng vẫn im lặng để có thể sống bên người tình?
Tình yêu của Aschenbach câm lặng, mâu thuẫn và có đủ mọi cung bậc cảm xúc dù chỉ thể hiện qua ánh mắt và hành động. Từ đầu đến cuối, ông chưa từng nói với Tadzio một lời. Và như thế “Chết ở Venice” là màn độc thoại của riêng ông, cuộc chiến của riêng ông, hạnh phúc của riêng ông, cho đến tận khi Aschenbach chết, trong ánh nắng rực rỡ nơi bờ biển Venice và nụ cười nhàn nhạt trên môi.
“Chết ở Venice” sẽ làm ta nhớ đến “Người đọc” với kết cấu kể chuyện tuần tự truyền thống, chương một dẫn dắt vào đề, chương hai giới thiệu nhân vật chính, chương ba giới thiệu bối cảnh diễn ra sự việc, chương bốn diễn biến sự việc và chương năm đạt đến cao trào. Thomas Mann viết “Chết ở Venice”với những đoạn trần thuật dài dòng và hầu như không sử dụng đến các câu thoại. Ngôn từ trau chuốt khiến người đọc dễ dàng hình dung được khung cảnh, hiểu được những so sánh đậm chất thần thoại khi tác giả muốn chuyển tải cảm xúc nhân vật.
“Chết ở Venice”không già nua vì tuổi tác của Aschenbach, không đau đớn vì một tình yêu trái với đạo đức, không tăm tối và chết chóc vì dịch bệnh,“Chết ở Venice”đẹp như chính Venice bồng bềnh giữa sóng nước và những câu chuyện thần thoại. Vậy mà mỗi câu, mỗi chữ đều day dứt và đầy ám ảnh khi khắc họa từng bước Aschenbach đánh mất phẩm giá, trở nên lố bịch và vô liêm sỉ.
“Chết ở Venice”, với Gustav Aschenbach là chết trong lòng người tình, chết trong những cảm xúc bùng nổ đẹp nhất của cuộc đời nhưng cũng là cái chết quắt queo, kiệt quệ của một kẻ đã gạt bỏ và từ chối chính mình. Cuộc chiến của Apollo và Dyonisos kết thúc với phần thắng chẳng nghiêng về phía ai, riêng Aschenbach thì là kẻ tế thần tội nghiệp…
Sinh (1875-1955) là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn, nhà phê bình xã hội, nhà nhân đạo, người viết tiểu luận và nhà văn đoạt giải Nobel văn học năm 1929. Ông nổi tiếng với một loạt các tiểu thuyết mang tính tượng trưng cao, tính châm biếm, đặc biệt là ở cái nhìn sâu sắc về tâm lý của người nghệ sĩ và giới trí thức. Chết ở Venice, kiệt tác thời kỳ đầu của ông, mô tả sự tìm kiếm tình yêu và cái đẹp giữa một xã hội mà sự cao cả đang suy đồi.