Chơi Jazz Ở Việt Nam - Stan BH Tan - Tangbau, Quyền Văn Minh

207.200₫ 259.000₫
Trạng thái: Còn hàng

Tác giả: Stan BH Tan - Tangbau, Quyền Văn Minh

Dịch giả: Hiền Trang

Hình thức: Bìa mềm, 16 x 24 cm, 388 trang

Nhà Xuất Bản: NXB Hội Nhà Văn, 2022

Chơi Jazz Ở Việt Nam - Stan BH Tan - Tangbau, Quyền Văn Minh

Jazz – một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đã lan ra khắp thế giới và hiện diện ở mọi nền văn hóa âm nhạc quốc gia. Nhạc jazz mang đậm tính nghệ sĩ, đầy nét đặc trưng và khiến những thính giả khi đã thích rồi sẽ như một kẻ si tình với nó.

Ở Việt Nam, jazz cũng có rất nhiều câu chuyện riêng, kiến thức “nhập môn” riêng để khám phá, như người Việt chơi jazz ở Việt Nam là ai? Họ học chơi jazz ở đâu, bằng cách nào? Có thật là họ “chơi jazz” không?…

Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp trong Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội – cuốn sách kể lại cuộc hành trình jazz ra đời ở Việt Nam, tập trung vào câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh – người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở mảnh đất quê hương, để thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở nơi này.

Không phải một bài phỏng vấn tiêu chuẩn mà ta vẫn thường đọc trên báo chí, nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi xuống tâm tình, hàn huyên cùng một người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz.

Tác phẩm là bước đệm cho những nghiên cứu và hiểu biết sâu hơn về nhạc jazz ở Việt Nam.

Trích đoạn hay

Chơi jazz ở Việt Nam là một bài tập tự sự có tính cộng tác, sử dụng những lời của đích thân Quyền Văn Minh mà tôi xâu chuỗi lại như một trò chơi xếp hình từ rất nhiều cuộc đối thoại giữa chúng tôi trong những năm từ 2009 đến 2017.

[…] Tôi chịu trách nhiệm tổ chức vô số chủ đề trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi những năm qua, như tôi hy vọng, thành một tự sự trôi chảy để phản chiếu những cột mốc quan trọng với Minh cùng triết lý sống của ông trên tư cách một nhạc sĩ jazz và một nhà giáo jazz Việt Nam. (tr.17)

Jazz ở Việt Nam không phải là một thứ thanh âm nổi loạn được biểu diễn trong bóng tối, không hề, từ khi Minh biểu diễn thể loại này trước công chúng trong hai chương trình biểu diễn độc tấu được công nhận chính thức vào năm 1988 và 1989. (tr.28)

Minh không chỉ còn là một nghệ sĩ saxophone đắt show và một giảng viên saxophone ở Hà Nội, mà còn là một nghệ sĩ jazz đắt show với nhạc mục riêng gồm các nhạc phẩm jazz nguyên gốc. Ông được công nhận như bố già nhạc jazz ở Việt Nam, một tước phong mà các phóng viên trao cho ông khi viết trên những tờ báo và tạp chí địa phương về nền âm nhạc đang thay đổi ở Việt Nam. Quyền Văn Minh đã trở thành một tên tuổi biểu tượng đại diện cho sự tồn tại của jazz ở Việt Nam, và nhạc jazz Việt như một thớ nhỏ song không thể thiếu trong khung cảnh thanh âm Việt Nam. (tr.296+297)

Khi tôi dạy những người không chuyên hay người mới bắt đầu, đôi khi họ chỉ muốn học một hai bài trên kèn saxophone thôi. Họ tìm thấy niềm vui trong việc ấy, cho nên tôi dạy họ. Đây là một kiểu hạnh phúc rất mực giản đơn và thuần thực. (tr. 48)

Nếu như tôi có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp cho xã hội với âm nhạc của mình, tôi sẽ làm như thế. Tôi tin rằng âm nhạc của tôi cũng sẽ luôn trả lại tôi điều gì đó tốt đẹp. (tr.49)

Dù sinh ra ở Việt Nam, một đất nước cơ bản chẳng biết jazz là gì, tôi đã yêu nhạc jazz từ khi tôi nghe được nó trên radio vào năm 1968. Tôi đã chơi nhạc trong hơn 50 năm kể từ năm 1967, và tôi đã mở quán jazz club hơn 20 năm trước, vào năm 1997. Cái sự thật rằng tôi có đủ niềm tin vào bản thân để chơi jazz, tôi nghĩ, tự thân đã là một thành tựu! Trong những điều kiện hạn chế mà tôi học chơi jazz, tôi đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, và rồi trở thành một giáo viên saxophone và nhạc jazz. (tr.49)

Thông tin tác giả

Stan BH Tan - Tangbau, Quyền Văn Minh

Stan BH Tan-Tangbau: Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các câu chuyện văn hóa cũng như sự thay đổi chính trị-xã hội ở Việt Nam và khu vực miền núi khắp Đông Nam Á. Nhiều bài viết của ông được đăng trên các tạp chí như Jazz Perspectives, Collaborative Anthropologies, Journal of Narrative Politics và Journal of Vietnam Studies. Ông từng giảng dạy tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto và Đại học Quốc gia Singapore.

Quyền Văn Minh: (sinh năm 1954) Được xem là “Bố già của nhạc jazz Việt Nam”, ông không chỉ là nghệ sĩ saxophone jazz, giảng viên đầu tiên của bộ môn saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia danh tiếng mà còn là một trong những nhạc sĩ jazz ưu tú nhất Việt Nam.

zalo