Cơ sở ký hiệu học (Éléments de sémiologie) của Roland Barthes (1915-1980) vốn là một bài báo 45 trang, đăng trên tạp chí Communications (1964, 4, tr. 91-135). Đúng như nhan đề, cuốn sách chỉ bàn đến những vấn đề thiết yếu nhất của ký hiệu học. Ở đây ta bắt gặp những khái niệm “truyền thống” quen thuộc của cấu trúc luận, khởi đi từ F. de Saussure, như ngôn ngữ và lời nói, cái biểu đạt và cái được biểu đạt, ngữ đoạn và hệ thống, hình thức và chất liệu...
Quen, mà lạ. Bởi vì Roland Barthes không dừng lại ở chỗ giải thích tư tưởng của F. de Saussure, mà còn chú ý đến khía cạnh lịch sử của nó. Bên cạnh việc dẫn công trình của người đi trước để chỉ rõ ngọn nguồn của tư tưởng đó, như khái niệm ngôn ngữ của Saussure là bắt nguồn từ E. Durkheim, còn khái niệm lời nói của ông thì từ G. Tarde, Roland Barthes cho thấy tư tưởng của F. de Saussure đã làm cơ sở cho những người tiếp nối, như Claude Lévi-Strauss, Merleau-Ponty, Jacques Lacan và tất nhiên của chính Roland Barthes như thế nào.
Lạ bởi vì Roland Barthes còn đào sâu hơn cách hiểu của người đi trước. Một ví dụ: chỉ cần đọc mấy trang đầu của chương II thôi, ta đã thấy Roland Barthes không đơn giản đưa ra một sự phân loại ký hiệu, mà tổng kết quan điểm G. W. F. Hegel, Ch. Peirce, C. Jung và H. Wallon, xác định sự đồng nhất và khác biệt trong quan điểm của các học giả đó. Ông cho thấy trong khi trường phái Saussure hiểu ký hiệu là thể thống nhất của cái biểu đạt và cái được biểu đạt, thì trường phái tiếp cận ngôn ngữ theo thuyết cơ giới thuộc chủ nghĩa cấu trúc Mỹ lại đồng nhất ký hiệu với cái biểu đạt; còn cái được biểu đạt được cho là thuộc phạm vi của tâm lý học và đây là lý do nó bị gạt ra khỏi ngôn ngữ học.
Tuy là người xây nền đắp móng cho Ký hiệu học nhưng F. de Saussure chỉ mới giới hạn nghiên cứu của mình trong Ngôn ngữ học; Roland Barthes mới thực sự mở rộng biên độ của Ký hiệu học. Để làm được điều đó, Roland Barthes phóng chiếu những khái niệm ngôn ngữ học của Saussure ra mọi hệ thống ký hiệu, chứ không riêng gì trong lĩnh vực giao tiếp bằng ngôn ngữ. Các khái niệm ngôn ngữ và lời nói, cái biểu đạt và cái được biểu đạt, tính có lý do và tính võ đoán, ngữ đoạn và hệ thống, … được xem xét không chỉ như những sự kiện ngôn ngữ học, mà còn cả âm nhạc, nhiếp ảnh, trang phục, ẩm thực, xe hơi, nội thất, điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ... Nhờ Roland Barthes, người ta thấy một cách sâu sắc rằng bao quanh loài người đâu đâu cũng là ký hiệu – hay theo cách nói của Yuri Lotman, đó là ký hiệu quyển (Semiosphere). Chính vì thế, ông có ảnh hưởng lớn không chỉ trong cấu trúc luận và ký hiệu học, mà cả triết học, phê bình văn học, xã hội học, nhân học, thiết kế học…
Điều đáng nói là nếu như những nhà Ký hiệu học trước đây chỉ quen thuộc trong giới hàn lâm, thì Roland Barthes lại là một tên tuổi không xa lạ trong văn hóa đại chúng. Đã có hai cuốn tiểu thuyết, ba bộ phim và một bài hát được gợi hứng từ tác phẩm khoa học của Roland Barthes.
Roland Barthes được xem là người kế tục Jean Paul Sartre trong vai trò người trí thức Pháp hàng đầu. 17 năm sau khi ông mất, nước Pháp ghi nhận công lao của ông bằng cách lấy tên Roland Barthes đặt cho một con đường ngay tại Paris. Sau Độ không của lối viết (Le Degré zéro de l’écriture – Nguyên Ngọc dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998) và Những huyền thoại (Mythologies, Phùng Văn Tửu dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2008), Cơ sở ký hiệu học là cuốn thứ ba của Roland Barthes được dịch ra tiếng Việt. Chừng ấy là quá ít đối với một tên tuổi như Roland Barthes – một nhà khoa học xuất chúng “đã làm thay đổi hoàn toàn ngành nhân văn nói chung và nghiên cứu văn học nói riêng” (Jonathan Culler 2002, Barthes: A Very Short Introduction. Oxford University Press, tr. viii).
Cơ sở ký hiệu học không dễ đọc. Nó súc tích, nghĩa là nó giả định người đọc phải có một số hiểu biết nhất định và nhất là lòng ham thích hiểu biết. Nhưng đọc xong cuốn sách, và nếu cần đọc đi đọc lại nhiều lần, những ai đủ kiên nhẫn chắc chắn sẽ thấy công lao của mình sẽ được đền bù xứng đáng.