Con giai phố cổ, tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.” Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đó là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.
Đó chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ và cho đến tận bây giờ, khi hàng ngày truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội.