Walter Mosca, nhân vật chính của câu chuyện, là một cựu quân lục binh chỉ hơn hai mươi tuổi, trở về quê nhà ở Mỹ sau thời gian chiến đấu ở mặt trận Đức. Nhưng chính cái nền hòa bình mà anh ra đi chiến đấu để giành lấy ấy lại khuấy đảo tâm hồn đã chai sạn của người lính trẻ, thò cái vuốt sắc của mình vào nơi sâu thẳm nhất trong anh, sục sạo và phơi bày những cảm xúc nghiệt ngã. Không thể trốn tránh, Mosca lên tàu trở lại Đức, không chỉ để tìm kiếm những mảnh linh hồn vỡ nát của mình, mà còn để tìm người phụ nữ Đức anh đã gặp và đã yêu trong khi anh là ‘kẻ chinh phạt’, còn cô là ‘kẻ bị chinh phạt’. Cuộc đoàn tụ êm ả không diễn ra dài lâu, khi những bất ổn chính trị ở vùng đất hoang tàn này kéo họ vào vòng xoáy của thù hận, tiền bạc, quyền lực.
Tác phẩm này có các yếu tố của một tiểu thuyết đầu tay thành công: một cựu binh Mỹ từng tham gia các chiến dịch ở Đức tình nguyện đến làm việc cho phòng nhân viên dân sự ở Đức; một thị trấn ở miền Bắc nước Đức nơi cư dân phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh, nơi chợ đen hết sức phát đạt, và nơi thế giới ngầm thật sự là những căn hầm nằm dưới đống đổ nát, dưới những xác chết bị chôn vùi.
- The New York Times
Giới thiệu tác giả:
Mario Puzo (1920 - 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo gốc Napoli, sống tại New York. Khi Thế chiến II bùng nổ, ở tuổi đôi mươi, Puzo nhiệt thành đăng lính. Chiến tranh kết thúc, Puzo trở về lập gia đình và tiếp tục con đường học vấn. Năm 1950, ông ra mắt truyện ngắn đầu tay The Last Christmas. Năm năm sau, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, The Dark Arena, trong lúc đang đảm nhiệm vị trí biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman. Thời gian này, ông còn tham gia viết bài cho một số tạp chí dành cho đàn ông như Male, True Action và Swank. Năm 1965, ông xuất bản The Fortunate Pilgrim. Năm 1969, tiểu thuyết The Godfather, tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, nhanh chóng được chuyển thể thành phim. Mario Puzo tiếp tục phát triển sự nghiệp văn chương và xuất bản nhiều tiểu thuyết ăn khách như Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1990), The Last Don (1996). Năm 1999, ông đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Hai bản thảo cuối cùng của Puzo được xuất bản sau khi ông mất là Omertà (2000) và The Family (2001).
Nhận xét về tác phẩm:
“Một trong những tác phẩm hay nhất về giai đoạn Mỹ tiến vào nước Đức.”
- The Nation
“Cuốn sách cho thấy Puzo là một nhà văn đầy quyền năng... Nhân vật dữ dằn, cộc cằn, cứng rắn không chinh phục người đọc bằng cơ bắp, mà là bằng nhân tính và sự mềm yếu trong bi kịch của mình.”
- New York Herald Tribune
“Bức tranh về lực lượng chiếm đóng, quân đội và các nhân viên dân sự trong Đấu trường u ám dường như cho thấy tất cả đều bị vấy bẩn bởi tư lợi, sự tàn ác, dã man, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, tệ nạn của những kẻ chinh phục, sự tham lam của những kẻ thua trận, và tính tàn bạo của những người mà nỗi đau đã hằn thành sẹo.”