Đô Thị: Những Vấn Đề Tiếp Nối - Nguyễn Minh Hòa

150.000₫
Trạng thái: Hết hàng

Tác giả: Nguyễn Minh Hòa

Thể loại: Đời sống xã hội

Hình thức: Bìa Mềm, 350 trang

Nhà xuất bản: ĐHQG HCM, 2019

 

ĐÔ THỊ - NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP NỐI

Tác giả Nguyễn Minh Hòa vừa ra mắt quyển sách mới: Đô thị những vấn đề tiếp nối, tập hợp ý kiến chuyên môn về đô thị học, và cả những tâm sự giãi bày về các vấn đề phát triển đô thị ở nước ta.

 

 

Tập sách, cũng chính là dòng cảm xúc không gián đoạn của một người nặng lòng với đô thị Sài Gòn, nơi tác giả đã gắn bó gần 50 năm qua. Trong phần mào đầu cho chương Cảm xúc đô thị, ông dành cho Sài Gòn những lời nói thật tự đáy lòng: “Sự thay đổi của thành phố này mang lại cho tôi biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc khác nhau”.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa chính là người đã cẩn thận ghi chép những đổi thay – phần lớn là mất mát – trong quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn, và rồi trong một hội thảo, ông bất ngờ công bố về 18 công trình của Sài Gòn đã mất đi không bao giờ có lại được (TT ngày 19-10-2019). Không chỉ có thế, song hành cùng hoạt động chuyên môn của một nhà đô thị học, Nguyễn Minh Hòa còn dành không ít thời gian cho việc đọc và viết về Sài Gòn.

Ở đây, bạn đọc sẽ gặp lại những trang viết đầy cảm xúc của Nguyễn Minh Hòa, từ những tiếng kêu quyết liệt trước những chính sách từ nhà nước có ảnh hưởng đến đô thị như “Đừng đập nữa” – viết về việc các thủy đài ở TP.HCM bị đập bỏ theo chủ trương từ năm 2017; “Cẩn trọng với ký ức” – về ý kiến phá bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thư để xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM; hay câu hỏi tưởng chừng giản đơn “Con trẻ chơi ở đâu” nhưng đặt ra như tác giả mới thấy quả là vấn đề không giỡn chơi đối với các nhà quy hoạch và phát triển đô thị.

Tập sách được tác giả sắp xếp thành ba phần: Cảm xúc độ thị, Không gian đô thị, và Đời sống đô thị. Trong mỗi mảng nội dung ấy, người đọc sẽ bắt gặp những vấn đề vừa quen thuộc vừa nan giải, những góc nhìn tưởng đã rõ từ lâu nhưng đọc các trang viết của một nhà chuyên môn, lại thấy có lẽ mình còn chưa hiểu Sài Gòn đến đầu đến đũa…

Chẳng hạn như ý tưởng về dáng hình thành phố, được tác giả tâm sự rằng trong một lần hội thảo ở Trung Quốc, thức khuya khó ngủ, ông giở bản đồ TP.HCM ra xem và bỗng bất ngờ liên tưởng dáng hình thành phố với hình ảnh con dơi đang giang cánh. Ý tưởng này sau đó được nhiều ý kiến tại hội thảo tán đồng.

Hay việc khám phá ra Sài Gòn từng có một thung lũng xanh tuyệt đẹp, do người Pháp cố tình tạo ra vào khoảng năm 1870, trải dài từ đường Cách mạng tháng Tám đến sát rạch Thị Nghè, với trục phát triển chính là đường Lê Duẩn (theo hình dung hiện nay). “Các nhà quy hoạch Pháp đã cố tình đẩy các nhà cao tầng ra phía xa để tạo ra hình thái đô thị cao bên ngoài, thấp bên trong như hình cái nón lật ngược mà trung tâm là một thung lũng xanh”, cách nhìn tinh tế của Nguyễn Minh Hòa không những cho thấy sự thấu hiểu của ông với những nhà quy hoạch Sài Gòn xưa, mà qua đó còn cho thấy cảm tình của một người Sài Gòn vẫn níu giữ những nét đẹp đô thị trong từng suy nghĩ cho dù ngoài thực tế đã biến thiên.

Và nếu tìm kiếm ở chiều sâu của đời sống đô thị, người đọc bắt gặp tác giả đặt lại những vấn đề căn cốt, đó là giá trị của an sinh (Thật vô nghĩa khi không an), hồn cốt của thị dân từ thói quen giản đơn là đi xe đạp (Tìm lại thói quen xưa), hay ở góc độ tế nhị của quản lý: cái nào nhà nước cần can thiệp bằng luật và cái nào nên mạnh dạn để người dân tham gia thực hiện sẽ tốt hơn rất nhiều (Để dân làm)…

Trong khi tác giả khiêm nhường tự nhận mình “cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, chỉ có thể phản ánh được một vài “mảnh vụn”, dăm ba “lát cắt” về đô thị – hiểu theo nghĩa là “một thực thể sống nhân tạo phức tạp nhất”, tập sách thực sự là những sẻ chia cần thiết, là suy nghĩ có trách nhiệm để câu chuyện đô thị Việt Nam được tiếp nối có hiệu quả trong tương lai.

Lam Điền

............

“Tình yêu Sài Gòn của tác giả rất da diết mà cũng rất tỉnh táo. Đó là vì sự “phân thân” của người viết: vừa là người Sài Gòn vừa là người “từ nơi khác đến”; vừa là người dân bình thường vừa là nhà nghiên cứu, nhà tư vấn chính sách; vừa là người mang trong mình “văn hóa” của một vùng miền khác lại vừa sống và hòa nhập với văn hóa một nơi chốn mới; vừa là người thụ hưởng di sản văn hóa vừa là người có tiếng nói góp vào chính sách bảo tồn hay không những di sản ấy… Tất cả điều đó mang đến sự khách quan của người trong cuộc chứ không phải khách quan lạnh lùng của những nhà nghiên cứu hàn lâm xa vời…” (TS. Nguyễn Thị Hậu viết lời chia sẻ cho tập sách của PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa)

 
zalo