Đội Săn Của Quốc Vương Stakh - Uladzimir Karatkievich
Uladzimir Karatkievich là nhà văn nước Cộng hòa Belarus với thiên tiểu thuyết Đội săn của Quốc vương Stakh (1959), được chấp bút từ năm 1950. Đội săn của Quốc vương Stakh lấy cảm hứng từ một truyền thuyết thế kỷ XVII về sự báo oán truyền đời khủng khiếp giáng xuống đầu mười hai thế hệ hậu duệ liên tiếp của dòng họ đại quý tộc sliakhta Ianousky, do phạm tội phản bội tày đình: lừa sát hại Quốc vương Stakh trong đêm trước ngày dấy nghĩa.
Bối cảnh lịch sử của câu chuyện ly kỳ đan xen các yếu tố giữa hoang đường và hiện thực, giữa ma quỷ và con người diễn ra trên nền các sự kiện lịch sử những năm 80 - 90 hắc ám trong lịch sử Đế quốc Nga. Đó là thời kỳ tổ chức cách mạng “Ý dân” chủ trương dùng biện pháp khủng bố - ám sát các hoàng đế, để khêu ngòi bạo loạn, còn chính quyền Nga hoàng thì dùng bộ máy “sắc phục xanh lơ” (cảnh sát mật) lôi lên giá treo cổ các thủ lĩnh bạo động như Kalinousky, Perovskaia, mà những nhân vật chính nam trong thiên tiểu thuyết, hai thanh niên trí thức quý tộc chân chính Svetsilovich và Belaretsky đã noi theo như những tấm gương hy sinh cao cả vì sự nghiệp chính nghĩa, vì người dân cày Belarus.
Tuy về thể loại là một thiên tiểu thuyết trinh thám, nhưng tác phẩm của Karatkievich không chỉ là chuỗi tình tiết phiêu lưu hấp dẫn, mặc dù ông là bậc thầy về nghệ thuật thắt, mở tình tiết, dẫn dắt câu chuyện ly kỳ. Cốt truyện là quá trình khó khăn và nguy hiểm để khám phá âm mưu tàn ác của một băng đảng quý tộc thoái hóa biến chất cấu kết với chính quyền tham nhũng, “cái lũ sâu mọt chuyên đục khoét, gian dối… đã kết thành một bè đảng lớn”, như nhận xét của nhân vật nữ chính Nadzeia: Chúng đội lốt ma quỷ gieo rắc kinh hoàng khắp vùng nông thôn hoang dã, hòng chiếm đoạt tòa lâu đài thừa kế của người con gái vừa đến tuổi thành niên và cướp trắng đất đai canh tác của dân lành.
Thông qua câu chuyện ly kỳ ấy nhà văn đặt ra hàng loạt vấn đề của xã hội Nga hoàng đương thời như đấu tranh cho độc lập dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ quyền tự do cho từng con người, trách nhiệm của người thanh niên trí thức (như ta thường nói: của kẻ sĩ) đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân, trước hết là tầng
lớp dân nghèo yếu thế, thái độ không bàng quan vô cảm, mà tích cực can thiệp của người tử tế trước bất công và tội ác.