GIẢ MẠO là câu chuyện bi thảm bắt nguồn từ những sự thật không thể tránh khỏi của cuộc sống trên đất Mỹ: rằng người da trắng luôn có một lợi thế tự nhiên không phải ai muốn là có được, và rằng lòng trung thành với bản sắc chủng tộc da đen không chỉ là một hành động kiêu hãnh mà còn là một hành động dũng cảm. Nhưng điểm hay nhất của cuốn sách này là ở các nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm Irene Redfield. Thông qua nhân vật Irene vừa phức tạp, vừa có trách nhiệm, Larsen đã thể hiện cái nhìn công bình và cứng rắn với chủng tộc của mình. Gọi Giả mạo là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất trong năm, nhà xã hội học W.E.B Du Bois đã ca ngợi khả năng của Larsen trong việc giải thích tâm lý của các chủ thể. Đặt các nhận vật ở những biên cảnh ngặt nghèo, Nella Larsen chưa bao giờ để các họ được nhẹ gánh...
Được xuất bản vào năm 1929 trong thời kỳ Phục hưng Harlem, Giả mạo ngay lập tức nhận những cơn mưa lời khen của giới phê bình. Gần 100 năm sau, cống hiến của Nella Larsen vẫn còn nhiều giá trị. Văn học Mỹ thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 chứng kiện sự ra đời của một kiểu nhân vật khuôn mẫu: “mulatto bi thảm - tragic mulatto”, một kiểu người có nguồn gốc “hỗn hợp” phải trải qua sự cô lập hay những nỗi đau lớn vì họ không hoàn toàn thuộc về “thế giới trắng” hoặc “thế giới đen”. Mặc dù cũng có những đường nét tương tự, song tiểu thuyết của Larsen là một nhân tố quan trọng vượt ngoài những đặc điểm trên nhờ vào khả năng phân tích tâm lý chi tiết.