Trong trái tim của mỗi chúng ta đều có một góc để dành tình yêu cho Hà Nội. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, mái ngói rêu phong cổ kính đã trở thành đã trở thành những hình ảnh rất đỗi thân quen. Nhà văn Thạch Lam dù không sinh ở Hà Nội nhưng tập bút kí nổi tiếng Hà Nội 36 phố phường của ông được đánh giá là một cuốn bút ký dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội.
Hà Nội 36 phố phường chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Hơn 20 bài kí nhỏ như hai mươi bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa. Ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh đời qua những mẩu chuyện ngắn hết sức xúc động. Họ là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bên cạnh đó, thấp thoáng giữa các số phận éo le, ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết.
Nhưng ấn tượng hơn cả trong tác phẩm của Thạch Lam có lẽ là những trang về văn hoá ẩm thực của người dân Hà thành. Qua những hàng chữ nhẹ nhàng thủ thỉ, các thức quà Hà Nội xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Đó là “Bún sườn và canh bún”, là “Bánh đậu”, là “Bánh khảo, kẹo lạc”… mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo nhằm mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người Tràng An.
Đan xen giữa những dòng viết về ẩm thực, ta cũng có thể thấy được lối sống và thói quen của những người Hà Nội: nề nếp, giản dị và rất riêng biệt. Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần chung tay bảo vệ gốc rễ dân tộc, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn. Hà Nội đẹp khi mỗi người người chúng ta hiểu và gìn giữ vẻ đẹp của mảnh đất này.