Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân đất Việt….
Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Dương, Đề Thám ("Đề đốc" Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913). Dù những tư liệu về Đề Thám và Yên Thế đã có mặt trong nhiều tác phẩm, tư liệu khảo cứu, nhưng việc xác định góc nhìn của của độc giả đương thời về con người và cuộc khởi nghĩa này vẫn chưa được hoàn chỉnh, mặc dù có thể đã đi theo những lối mòn về việc phân tích cái đúng, cái sai của nhân vật cũng như sự kiện lịch sử này.
Để mang đến một góc nhìn có hơi hướng khác và cũng như có một chứng kiến rõ ràng hơn, chúng tôi mang tới với độc giả cuốn Hoàng Hoa Thám, nhưng Đề Thám và Yên Thế sẽ được khảo cứu dưới góc phân tích của Paul Chack (với tư cách là trợ lý cho các Toàn quyền Đông Dương trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc đàn áp khởi nghĩa Yên Thế (1909-1910) ông đã ghi lại cuộc đời của Hoàng Hoa Thám - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa này qua cuốn "Giặc Hoàng Thám" xuất bản tại Pháp năm 1933).
"... Tên gọi Hoàng Hoa Thám là do Cai Kinh thay vào năm 1886, đồng thời thêm vào đó một chức danh quân sự rất đáng kính là Chánh Đề đốc. Mặc dù vậy, một số người vẫn gọi ông là Đề đốc Dương. Và sẽ rất khó có thể thừa nhận được điều đó cho đến khi chiến công đẫm máu của ông đã làm rạng danh cái tên Đề đốc Thám hay ngắn gọn hơn là Đề Thám. Cái tên này sẽ làm cho vùng Yên Thế run sợ và làm bạc tóc của một số công sứ Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên và các tỉnh khác..." - Paul Chack - Hoàng Hoa Thám
"Hoàng Hoa Thám mất đi. Đảng Nghĩa Hưng (hay phong trào Cần Vương - Yên Thế) cũng chết theo. Dư âm chỉ còn lại ở một vài câu truyền khẩu một vài cuốn sách không mấy được phổ biến trong dân gian. Đề Thám chết bởi tay quân thù nghịch hay chết già, chết bệnh? Không ai biết rõ những sự nghiệp của họ Hoàng đến nay vẫn còn là một bài học cách mạng vô cùng quý báu cho kẻ hậu sinh." - Văn Quang - Hoàng Hoa Thám