Không gia đình kể về chuyện đời Rémi, một cậu bé không cha mẹ, họ hàng thân thích. Sau khi phải rời khỏi vòng tay của người má nuôi, em đã đi theo đoàn xiếc thú của cụ già Vitalis tốt bụng. Kể từ đó, em lưu lạc khắp nơi, ban đầu dưới sự che chở của cụ Vitalis, sau đó thì tự lập và còn lo cả công việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có lúc em và cả đoàn lang thang cả mấy ngày đói khát rồi còn suýt chết rét. Có bận em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ hàng tuần. Rồi có lần em còn mắc oan bị giải ra tòa và phải ở tù. Nhưng cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Song dù trong hoàn cảnh nào, Rémi vẫn giữ được sự gan dạ, ngay thẳng, lòng tự trọng, tính thương người, ham lao động chứ không hạ mình hay gian dối. Cuối cùng, sau bao gian nan khổ cực, em đã đoàn tụ được với gia đình của mình.
Thông tin tác giả:Hector Malot (1830 – 1907)
Ông là nhà văn nổi tiếng người Pháp, sinh tại La Bouille. Khi được năm tuổi, gia đình ông chuyển đến sống ở vùng Eure, một vùng nông thôn êm đềm đã nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, trí tưởng tượng cũng như niềm đam mê các tác phẩm văn học. Năm 1853, ông khởi đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà báo, nhưng về sau đã từ bỏ để dành trọn tâm huyết cho văn chương. Bắt đầu với Những người tình (Les Amants) xuất bản năm 1859, trong sự nghiệp ông đã viết trên 70 tác phẩm, phản ánh những cùng khổ bất công trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, trong số đó có nhiều danh tác như Romain Kalbris (1869), Trong gia đình (En Famille, 1893)...
Đặc biệt, Không gia đình(Sans Famille, 1878), tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của ông, đã giành giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp và trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi khắp thế giới trong suốt hơn một trăm năm qua.
Thông tin dịch giả: Huỳnh Lý (1914 – 1993)
Là nhà nghiên cứu, dịch giả và một nhà giáo nổi tiếng. Bắt đầu dạy học từ trước năm 1945, ông đã cống hiến cả cuộc đời cho ngành giáo dục. Ông từng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh và được nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân vào năm 1990.
Tuy tên tuổi Huỳnh Lý gắn liền với sự nghiệp trồng người, nhưng trên cương vị của một nhà nghiên cứu văn học đồng thời là một dịch giả, ông đã đóng góp nhiều biên khảo có giá trị và hàng loạt bản dịch được đánh giá là kinh điển như Những người khốn khổ, Không gia đình, Eugénie Grandet, Tu viện thành Parme...