Công giáo ở Việt Nam có độ dầy lịch sử trên dưới 400 năm, nhưng vẫn còn thiếu cho mình một cuốn lịch sử, đầy đủ và cập nhật.
Những cuốn sách viết về lịch sử truyền giáo ở Việt Namtrước đây, phần lớn bằng ngoại ngữ và những tác giả như Louvet, launay, Gispert… đều đã chỉ đề cập đến từng khu vực truyền giáo, chứ chưa trình bày một bức tranh toàn cảnh của Công giáo Việt Nam.
Những công trình do người Việt Nam, người Công giáo trong nước biên soạn mới bắt đầu thế kỷ XX.
Tháng 8/1942, Đại Việt Thiện Bản – Huế đã tung ra 10.000 phiếu đăng ký cho một bộ “LỊCH SỬ ĐẠO THIÊN CHÚA Ở VIỆT NAM” dầy 2.000 trang, nhưng chỉ mới phát hành được tập I
1958, ở Tp. Hồ Chí Minh Linh mục Phan Phát Huồn cho xuất bản cuốn “VIỆT NAM GIÁO SỬ” gồm 2 tập, tập I từ năm 1533 đến năm 1933 với 402 trang; tập II từ năm 1933 đến năm 1960 với 592 trang.
Năm 1959 cũng xuất bản tại Tp. Hồ Chí Minh cuốn “LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM” của Linh mục Nguyễn Hồng, tiến sĩ giáo luật, với khoảng 300 trang, đã xử lý được nhiều sử liệu, nhưng chỉ dừng lại ở cuối thế kỷ Dòng Tên.
Năm 1972 Linh mục Bùi Đức Sinh, trong bộ “LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ” đã dành một chương để trình bày về “Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam”.
Tuần báo CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC, số 685, đề ngày 30.10.1988 có công bố dự án biện soạn một bộ “LỊCH SỬ CÔNG GIÁO VIỆT NAM” gồm 2 phần: Phần I về sự phát triển của Công giáo ở Việt Nam; phần II về vị trí của Công giáo Việt Nam giữa lòng dân tộc, Nhưng do khó khăn khách quan, cho tới nay mới chỉ có phần I được khởi công do linh mục Trương Bá Cần, Tiến sĩ sử học trực tiếp biên soạn với sự góp phần của các ông Vương Đình Chữ, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Nghị và Chương Thâu. Bộ sách này được xuất bản thành 03.
Bộ “lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam” của linh mục Trương Bá Cần, mà nhà xuất bản Tôn giáo giói thiệu với bạn đọc, có thể đáp ứng một phần nào sự chờ đợi lâu nay của giới Công giáo ở Việt Nam về “một cuốn lịch sử đầy đủ và cập nhật” của Giáo hội mình.
Với trên 1400 trang sách khổ lớn, được trình bày trong 44 chương (20 chương tập I và 24 chương với một phụ lục tập II), tác giả đã khái quát một bức tranh toàn cảnh của Công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến mùa thu 1945. Phải thừa nhận rằng đây là một công trình tương đối đầy đủ về lịch sử Công giáo ở Việt Nam, mặc dầu chỉ tới mùa thu 1945.
Tiếp cận được với những nguồn tư liệu phong phú khai thác từ các thư viện và kho lưu trữ, ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Linh mục, Tiến sĩ Trương Bá Cần với các cộng sự của ông đã cung cấp cho bạn đọc là tín hữu công giáo muốn tìm hiểu về Giáo hội của mình và những nhà nghiên cứu lịch sử muốn tìm hiểu về Công giáo ở Việt Nam, một ấn phẩm có giá trị và đáng tin cậy.
Với tác phong cẩn trọng của một nhà khoa học, với trách nhiệm và tình cảm dân tộc của một công dân Việt Nam, với niềm tin tôn giáo của một linh mục, tác giả Trương Bá Cần đã hoàn thành một công trình không những có giá trị về tư liệu lịch sử mà còn có giá trị về cảm nghiệm từ các bài học lịch sử.
Tuy bộ “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam” chưa hoàn tất (còn thiếu tập III, thời kỳ bất ổn và chuyển mình – từ mùa thu 1945, đến thời cận đại), nhưng để kỷ niệm 50 năm linh mục của mình (1958 - 2008) và để góp phần chào mừng 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt nam (1960 - 2010), Linh mục Tiến sĩ Trương Bá Cần đã cho xuất bản tập I và tập II của công trình đã được biên soạn. Sách do Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành năm 2008.
#Sách_Khai_Minh xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách này để hiểu rõ hơn về sự khởi thủy cho đến khai phá, hình thành và phát triển của đạo Công giáo ở Việt Nam.