“Triết học”, theo Bertrand Russell, là thứ gì đó trung gian giữa thần học và khoa học. Nếu tất cả tri thức minh xác đều thuộc về khoa học thì hết thảy giáo điều dạy dỗ những gì vượt quá tri thức minh xác đều thuộc về thần học. Và giữa thần học và khoa học còn có một Bãi Hoang, dễ hứng chịu công kích từ cả hai phía; Bãi Hoang này chính là triết học.
Triết học là công cuộc nghiên cứu và thậm chí là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi hấp dẫn mọi đầu óc tư biện nhất như: Thế giới có chia ra thành tinh thần và vật chất hay không, và nếu có thì tinh thần là gì mà vật chất là gì? Vũ trụ có bất kỳ tính thống nhất hay mục đích gì không? Nó có tiến hóa hướng tới một mục tiêu nào đó chăng? Luật tự nhiên có thật không, hay chúng ta tin vào chúng chỉ vì bẩm sinh ta đã yêu trật tự?... Phải chăng cái thiện hảo buộc phải vĩnh cửu thì mới đáng quý, hay nó đáng công tìm kiếm ngay cả khi vũ trụ nhất nhất lao về phía cái chết? Liệu có thứ gì đáng gọi là minh triết, hay những gì tưởng chừng minh triết lại chỉ đơn thuần là cái rồ dại được trau chuốt đến kỳ cùng?
Với mục đích phô bày triết học như một phần máu thịt cấu thành đời sống chính trị và xã hội, chứ không phải như những tư biện biệt lập từ các cá nhân kiệt xuất, mà xem xét triết học vừa như kết quả vừa như nguyên nhân làm nên đặc tính của rất nhiều cộng đồng đa dạng vốn là cái nôi nuôi lớn những hệ thống khác nhau. Bertrand Russell đã viết nên cuốn sách Lịch sử triết học Phương Tây, là một cuộc khảo sát toàn cảnh triết học phương Tây từ tiền Socrates đến đầu thế kỷ 20.
Cuốn sách ra đời gặt hái được rất nhiều thành công trên phương diện thương mại, và trong số các sách viết về lịch sử triết học, hiếm có tác phẩm nào được đánh giá cao hơn Lịch sử triết học phương Tây của Bertrand Russell.
Triết học, khác với thần học, bắt đầu ở Hy Lạp vào thế kỷ 6 TCN. Sau khi đi hết chặng đường dài trong thời cổ, nó lại bị thần học nhận chìm khi Kitô giáo trỗi dậy và La Mã tàn lụi. Giai đoạn vĩ đại thứ hai của nó từ thế kỷ 11 cho đến 14 diễn ra dưới sự thống trị của giáo hội Công giáo, ấy là trừ đi một vài kẻ nổi loạn vĩ đại, chẳng hạn hoàng đế Frederick II (1195-1250). Giai đoạn này bị đặt dấu chấm hết bởi tình cảnh hỗn loạn tựu thành cuộc Cải cách. Giai đoạn thứ ba từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay, chịu sự thống trị, hơn cả hai quãng trước, của khoa học; những tín ngưỡng tôn giáo truyền thống vẫn còn quan trọng, nhưng người ta cảm thấy cần phải biện minh cho chúng, và chúng chịu biến cải bất cứ đâu khoa học dường như ép buộc làm vậy. - Bertrand Russell