Tuổi thơ vắng bóng sự hiện diện của người cha, Cem theo thầy học nghề đào giếng để rồi dần coi người đàn ông trung niên nghiêm khắc ấy như một người cha trong lòng. Cậu không thể ngờ cuộc đời mình vĩnh viễn thay đổi, mùa hè rực lửa ấy, khi cậu gặp một người đàn bà tóc đỏ… Phương Tây, Oedipus vô tình giết cha. Phương Đông, Rustam đâm chết Sohrab mà không hay biết đó là con trai mình. Hai truyền thuyết Hy Lạp và Ba Tư ấy hợp lại làm một, phủ bức màn ngụ ngôn bí ẩn, ám ảnh quá trình vật vã trưởng thành của một cậu trai trên nền một Istabul những năm 1980 quay cuồng thay đổi. Nàng tóc đỏ là câu chuyện về sự mất kết nối giữa các thế hệ, về gia đình và tình yêu, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại. Có vẻ ngắn gọn hơn Orhan Pamuk mà ta quen, nhưng vẫn tìm thấy trong cuốn sách này, không lẫn vào đâu được, sức cuốn hút cố hữu đến từ bút lực của một nhà kể truyện bậc thầy.
Lời bình
“Đẹp lặng lẽ.” – 1843 “Cuốn tiểu thuyết thứ 10 xuất sắc của Pamuk… khiến độc giả cảm giác như vừa bất thần chui ra khỏi một cái giếng sâu bước vào ánh sáng chói lòa.” - Observer (London)
“Một cái kết khiến ta phải lật sách đọc lại từ đầu.” - Sunday Times
“Thấm đẫm cảm thông cùng cảm thức về nơi chốn, cuốn sách vạch nên chặng đường một cậu trai bước vào tuổi trưởng thành và Istanbul bước vào sự thay đổi không thể vãn hồi.”- Financial Times