"Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế" (L’Art à Hué) là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập với 398 trang trong đó có 176 trang viết cùng 222 trang phụ bản được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ và hình ảnh minh họa cả đen lẫn trắng. Cuốn sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919.
Thế nhưng những gì mà tác giả thể hiện trong cuốn sách không chỉ là những nghiên cứu thể hiện tri thức và sự trải nghiệm dày dặn trên mảnh đất Huế, mà còn là tấm lòng, là tình cảm thiết tha của một trái tim gắn bó sâu nặng với con người nơi đây: “Tôi hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh, xuất sắc và tinh thần linh lợi. Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải nhiều đau khổ”
CÔNG TRÌNH SẼ GIÚP TA HIỂU HƠN Tại sao người An Nam chưa từng ấp ủ những hoài bão lớn lao: những cung điện nguy nga, những đền đài đồ sộ chưa từng xuất. Họ chỉ chăm chút tô điểm cho những ngôi chùa nhỏ nhắn, những ngôi nhà thấp bé và thiếu ánh sáng.
Tại sao nghệ thuật tầm vóc lớn không hiện hữu: Chúng ta chỉ có thể bắt gặp trên bức tường của đền miếu vài hình ảnh tín thờ của các vị Bồ Tát, chân dung xưa của các vị sư trú trì. Những bức bằng giấy vẽ hoa lá, muông thú, cảnh vật, tô điểm cho nội thất những gia đình khá giả, trên bàn thờ tổ tiên thì có tượng Phật trang trọng hay những hình ảnh liên quan đến đạo Lão….Chỉ là những hình ảnh gần gũi và nhỏ bé!
Tại sao nghệ nhân xứ Huế chẳng hề muốn mô tả cảnh này sắc nọ cụ thể của những vùng lân cận mà chính bản thân đã thưởng ngoạn. Tất cả đều được ước lệ dù là những thứ xa lạ đến những điều thân quen.
VÀ RỒI TA THẤY Nghệ thuật là một lĩnh vực mà chuẩn mực thẩm mỹ không thể được tạo dựng trên một khung mẫu có sẵn, hoặc được thừa nhận rộng rãi, để từ đó, làm căn cứ thẩm định bất cứ tác phẩm nào, của bất cứ ai, bất cứ nền văn hóa nào…, rồi tất cả cứ việc soi mình vào đấy để làm chứng cứ cho việc xếp chúng vào thang bậc hay đẳng cấp trong khung giá trị của sự thừa nhận
Mỹ thuật Huế qua một số tác phẩm tiêu biểu, không chỉ chẳng non trẻ chút nào, mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật dân tộc. Cửu đỉnh trong hoàng thành Huế với hàng trăm phù điêu, hàng trăm đề tài, hàng trăm thông điệp, hàng trăm tư tưởng, tư duy, hoài bão, khát vọng, mơ ước… là những thành tựu được đúc kết bằng một kỹ năng tầm cao trong nghệ thuật tạo hình, trong kỹ thuật dựng hình, trong phong cách thể hiện… Đó còn là sự kết tinh tài năng bất hủ của sức sống Việt, biểu tượng cho sự lão luyện và chín muồi của nghệ thuật tạo hình Việt. Nghệ thuật xứ An Nam mang màu sắc tín ngưỡng và nghệ nhân luôn làm việc trong một bầu không khí siêu nhiên.
L.Cadière đã nhìn nhận sự biến hóa kỳ ảo vô hạn trong sự giới hạn của đề tài trang trí Nguyễn: “Không phải nghi ngờ chúng ta chứng kiến sự biến hóa thực sự của một họa tiết này thành một họa tiết khác, chứ không đơn giản là một sự phối hợp hay gắn kết…Giờ đây khi tôi đã lưu ý những mặt yếu của nghệ thuật của người An Nam vùng Kinh thành Huế, tôi cảm thấy thoải mái hơn, để làm rõ những gì làm ta lưu luyến, những gì làm bao nhà sưu tầm mê say…”
Linh mục Léopold Michel Cadière (sinh ngày 14 tháng Hai năm 1869 ở Aix-en-Provence, Pháp và mất ngày 6 tháng Bảy năm 1955 ở Huế, Việt Nam) là nhà truyền giáo, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học và nhà nhân học. Sau khi thụ phong linh mục ở Paris năm 1892, ông đến Đông Dương và tham gia sứ vụ truyền giáo ở Huế và Quảng Bình.
Năm 1895, khi làm chánh xứ Tam Tòa ở Quảng Bình, ông bắt đầu có những khảo cứu nhân học. Từ năm 1901 đến 1904 ông làm việc ở xứ Bồ Khê và Dinh Cát, ở đây ông thu thập được nhiều tư liệu về dinh trấn của chúa Nguyễn và di tích vương quốc Chàm.
Ông được bổ nhiệm vị trí tuyên úy ở trường Pellerin từ 1912 đến 1918, đây là quãng thời gian ông phát triển các hoạt đông nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử tôn giáo. Cũng trong khoảng thời gian này ông thành lập Hội Những Người Bạn Cố đô Huế với hành trang quan trọng là tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H).