Người Chăm là dân tộc thiểu số ở Việt Nam có số dân 178.948 ngàn người, sinh sống ở địa phương khác nhau nhưng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi người Chăm tập trung đông nhất.
Trải qua quá trình lịch sử, người Chăm đã xây dựng một nền văn hóa đồ sộ mang bản sắc riêng. Đến nay họ vẫn còn lưu giữ đền tháp, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, nghi lễ, hội hè và nhiều phong tục tập quán khác. Những di sản này đóng góp đáng kể, làm phong phú vườn hoa văn hóa trăm sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Trong những năm gần đầy, vấn đề giới “nam nữ bình quyền” đang được mọi quốc gia trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có truyền thống và bản sắc văn hóa riêng. Vấn đề “trọng nam khinh nữ” đến nay vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Riêng dân tộc Chăm – một dân tộc theo chế độ mẫu hệ từ lâu đời và đến nay phụ nữ vẫn là trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội.
Nhằm góp phần vào tiếng nói chung để hướng tới “nam nữ bình quyền” trên thế giới hiện nay, hai tác giả Sakaya và Gia Trang đã dày công biên soạn và sưu tầm những câu chuyện liên quan đến phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ.
Cuốn sách Những Câu Chuyện Về Phụ Nữ Chăm Trong Xã Hội Mẫu Hệ , ngoài nội dung chính còn có một số hình ảnh phụ bản và được chia làm 05 phần chính như sau:
Phần I: Đặc điểm chế độ mẫu hệ Chăm
Phần II: Huyền thoại về phụ nữ Chăm
Phần III: Phụ nữ Chăm qua các truyện cổ tích
Phần IV: Phụ nữ Chăm & Truyện cười
Phần V: Phụ nữ Chăm qua những mối tình ngoại tộc
Hy vọng nội dung cuốn sách này sẽ giúp độc giả hiểu được nét đẹp cũng như vai trò của phụ nữ Chăm trong gia đình và xã hội mẫu hệ truyền thống mà đến nay ít nhiều vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó, cổ vũ phụ nữ các dân tộc anh em giao lưu, học hỏi và chia sẻ lẫn nhau, góp phần bảo tồn di sản văn hóa chung, nhất là phát huy vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại trên tiến trình hội nhập hiện nay.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Sakaya tên thật Trương Văn Món, dân tộc Chăm - Ninh Thuận. Phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia Trang tên thật: Sử Thị Gia Trang, dân tộc Chăm - Ninh Thuận. Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Chi hội Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.Hiện nghiên cứu độc lập, chuyên về văn hóa Chăm và văn hóa Raglai.
Một số tác phẩm cùng đứng bút:
Từ điển Chăm - Việt - Anh, Việt - Chăm - Anh (Nxb Tri thức, 2014)
Truyện dân gian của người Chăm (Nxb Văn hóa Dân tộc, 2017)
Huyền thoại và Truyền thuyết Chăm (Nxb Tri thức, 2018)