"Pháp lý M&A căn bản" được ra đời với mong muốn rằng:
Các bạn sinh viên luật có được hiểu biết về một lĩnh vực quan trọng trong mảng hành nghề luật sư tư vấn luật kinh doanh để bắt đầu chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cũng bớt bỡ ngỡ khi đi thực tập hoặc đi làm.
Các bạn luật sư tập sự và luật sư chưa hoặc ít tham gia tư vấn cho các giao dịch M&A có thêm kiến thức cơ bản, mang tính hệ thống, thực tế về kỹ năng tư vấn M&A. Chuyên viên pháp lý trong các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về giao dịch đặc thù này để có thể sẵn sàng khi doanh nghiệp của mình tiến hành mua doanh nghiệp khác hoặc bị doanh nghiệp khác mua lại.
Doanh nhân có cái nhìn tổng quát về giao dịch M&A, hiểu rõ hơn các điều khoản của hợp đồng phục vụ cho giao dịch M&A để có thể tiến hành giao dịch thuận lợi hơn, tự tin hơn, an toàn hơn, cũng như để biết thêm về vai trò của luật sư trong loại giao dịch khá phức tạp này.
Thẩm phán, viên chức nhà nước hiểu rõ hơn về giao dịch M&A để từ đó xét xử, xử lý thủ tục hành chính hay đề xuất, xây dựng, và soạn thảo các quy định pháp luật hợp lý hơn, chặt chẽ hơn và nhanh chóng hơn.
Kiến thức được tác giả trình bày trong cuốn sách này là kiến thức mà tác giả tích lũy được nhờ vào quá trình “học” (học từ thầy cô, đồng nghiệp hay tự học) và “làm” (áp dụng kiến thức để xử lý công việc). Tác giả cố gắng trình bày kiến thức đó một cách có hệ thống, theo mạch tư duy của một người mới bắt đầu tìm hiểu về pháp lý M&A với hy vọng cuốn sách dễ hiểu, làm cơ sở để người đọc tự tìm kiếm tri thức sâu sắc hơn, phức tạp hơn về chủ đề này.
Ngoài ra, sách về pháp lý M&A bằng tiếng Anh rất nhiều, nhưng lại không có nhiều xuất bản phẩm bằng tiếng Việt bình luận, đối sánh các điều khoản của hợp đồng M&A với pháp luật Việt Nam hay giải thích, đi tìm triết lý và “địa phương hóa” các điều khoản đó.
Vì vậy hi vọng rằng cuốn sách này sẽ hữu ích cho bạn đọc.