The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 - Philip Norman
Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 được phát hành lần đầu năm 1981. Phiên bản do Sống phát hành được xuất bản năm 2004 bởi Pan Books. Cuốn sách trở thành bestseller ngay khi mới phát hành năm 1981, đến nay được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã bán được hơn 1 triệu bản.
Nội dung chính của cuốn sách:
Đây là tác phẩm tiểu sử về ban nhạc có ảnh hưởng nhất thế giới, một bản tường thuật tuyệt đẹp về cuộc sống, âm nhạc và thời đại của họ. Cuốn sách cho thấy sự trỗi dậy của bốn chàng trai Liverpool cộc cằn từ những ngày đầu hoang dã, hài hước đến đỉnh cao đáng kinh ngạc của Beatlemania, từ sự hỗn loạn của Apple và sự sụp đổ của chủ nghĩa lý tưởng hippy cho đến sự chia rẽ tàn khốc của ban nhạc.
Nó cũng mô tả cuộc đấu tranh của họ để thoát khỏi di sản của Beatles, và cái chết bi thảm của John Lennon và George Harrison. Dí dỏm, sâu sắc và cảm động, cuốn sách không chỉ cho người hâm mộ Beatles mà cho bất cứ ai có hứng thú với nhạc pop.
Trích “Lời tựa”:
Từ cái khoảnh khắc The Beatles nhận ra họ không cần phải e ngại sẽ bị vượt qua bởi Dave Clark và ‘chất nhạc Tottenham’, không còn tranh cãi nào về việc họ chính là ngôi sao nhạc pop lớn nhất mọi thời đại. Không cần biết âm thanh và hình ảnh của pop đã phát triển, hay giật lùi, đến thế nào, họ vẫn là lý tưởng, là mẫu mực, là chóp đỉnh mà mọi nghệ sĩ biểu diễn mơ về, dù là nam hay nữ, đơn ca hay theo nhóm; tên của họ là thứ kích thích tối thượng trong ngôn ngữ của ngành quảng cáo, tiếp thị và các chiến dịch rầm rộ. Không một ngôi sao được hy vọng sẽ làm nên chuyện nào trong suốt ba thập kỷ qua, từ những nghệ sĩ glam rock - và coi rock là thượng đẳng - của thập niên Bảy mươi, đến những nghệ sĩ punk, disco, lãng mạn mới, tới những nhóm nhạc nam - và nữ - và cả nam lẫn nữ - dưỡn dẹo như zombie, mà quản lý lại không đóng cọc những tuyên ngôn về độ vĩ đại của họ bằng cách tuyên bố rằng họ đã bán nhiều đĩa đơn hay album hơn The Beatles, biểu diễn trước nhiều khán giả hơn The Beatles, có số lượng bản hit liên tiếp nhiều hơn The Beatles, cuốn phăng bảng xếp hạng nhanh hơn The Beatles, bị bao vây tại sân bay một cách cuồng điên hơn The Beatles, tạo ra độ phủ sóng truyền thông còn ám ảnh hơn The Beatles. Có lẽ nhóm nhạc duy nhất từng đạt đến cơn sốt toàn cầu như họ là Spice Girls vào giữa và cuối thập niên Chín mươi. Sự tôn xưng cao nhất mà Ginger, Scary, Posh và Sporty nhận được, hay khao khát nhận được, là được gọi với cái tên ‘phiên bản nữ của Beatles’. Sự thật là nếu tính thuần theo những số liệu thống kê, có rất nhiều những nghệ sĩ sau này có thể đường đường chính chính đưa ra một vài tuyên bố như thế. The Beatles, xét cho cùng, đạt tới danh vọng trong một nền công nghiệp âm nhạc khác hẳn so với nền công nghiệp hiện đại, khác như thời Đồ Đá với thời Chiến tranh giữa các vì sao. Rất nhiều những nghệ sĩ khác đã tạo ra nhiều sản phẩm hơn, có số lượng người xem nhiều hơn trong các tour diễn của mình, hẳn nhiên, kiếm được nhiều tiền hơn The Beatles đã làm được. Rất nhiều các nghệ sĩ đã bắt chước những khoảnh khắc lịch sử của họ - như U2 đã mô phỏng lại buổi biểu diễn trên mái nhà Apple. Nhưng chưa có ai từng được hoặc có thể hy vọng là sẽ được yêu nhiều đến thế.
Tình yêu đã đưa họ đến đỉnh cao không thể bị vượt qua nhưng cũng đã hủy hoại họ; thứ tình yêu tệ hại, vô tri mà cuối cùng đã trùm lấy họ, vắt kiệt sức sống của họ, như một con trăn khổng lồ. Đó chính là thứ sức mạnh, trên tất cả, vẫn còn lại trong những bản thu âm từ thời Abbey Road xa xưa của một London xa xưa. Hãy mở bất cứ bản nhạc nào của The Beatles (có lẽ ngoại trừ ‘Revolution No.9’) cho bất cứ toán trẻ con đang tập đi nào ở bất cứ quốc gia nào và thuộc bất cứ nền văn hóa nào. Bọn trẻ sẽ thích bản nhạc ấy liền.
Hậu thế đến nay mới chỉ sản sinh thêm một đối tượng nữa đạt được sự tôn thờ và hấp dẫn ngang bằng. Từ đầu thập niên Tám mươi đến cuối thập niên Chín mươi, nàng Diana xinh đẹp, dũng cảm, có chút điên rồ, Công nương xứ Wales đã cạnh tranh với The Beatles - và có những thời điểm thậm chí đe dọa soán ngôi họ - như biểu tượng yêu thích nhất của thế giới; không còn là những ngôi sao nhạc pop được coi như hoàng tộc mà chính hoàng tộc được coi như ngôi sao nhạc pop. Năm 1995, cuộc hội ngộ mà hàng triệu người mong ngóng từ năm 1971 cuối cùng đã tới. Công ty Apple vốn ngủ yên từ lâu của họ thông báo kế hoạch phát hành bộ phim có tính then chốt ghi lại sự nghiệp của họ,được người từng theo họ trên những chuyến đường lưu diễn, Neil Aspinall, thu thập trong hơn một phần tư thế kỷ, cùng với một tuyển tập tự truyện. Paul, George và Ringo tái hợp tại Abbey Road với nhà sản xuất cũ của mình, lúc này đã thành Ngài George Martin , để thêm phần khí nhạc và hát đệm cho một vài ca khúc của Lennon được Yoko khai quật trong đống tài liệu lưu trữ ở Dakota. Dẫu vậy, dù những tít báo ví đây như Sự Tái Lâm thứ hai , nhưng chúng không gây ồn ĩ hay để lại tiếng vọng lâu dài như vẫn thường. Khi chuyện này diễn ra cũng là lúc mà Diana chọn trả lời một bài phỏng vấn trên truyền hình, phơi bày sự giả tạo của cuộc hôn nhân được cho là ‘cổ tích’ với vị vua tương lai của nước Anh. Một thế giới đã thay đổi, quả thế, khi Tứ Quái trở thành dàn nhạc đệm cho một buổi phát sóng của Hoàng gia!
Giờ đây, cơn cuồng Diana nhấp nháy chập chờn tắt bụp như một cái đèn neon hỏng trong khi cơn cuồng Beatles chói sáng hơn bao giờ hết. Năm 2001, một album được phát hành với tựa đề đơn giản là 1, tuyển tập 27 đĩa đơn của Beatles từng xếp vị trí số một hồi ba thập kỷ trước đó. Nó leo lên vị trí cao nhất các bảng xếp hạng album ở Anh và Mỹ và trên khắp thế giới, số lượng bán ra nhiều gấp đôi so với kiệt tác concept album Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band, và đưa họ trở thành nghệ sĩ bán chạy nhất năm của tạp chí Billboard trên cả những người khổng lồ đương đại như Britney Spears và J-Lo.
Đôi nét về tác giả Philip Norman:
- Sinh năm 1943
- Là một tác giả, tiểu thuyết gia, nhà báo và nhà viết kịch người Anh.
- Ông được giới phê bình đánh giá cao với các tác phẩm tiểu sử về The Beatles, Rolling Stones, Buddy Holly và Elton John.
- Ông cũng từng xuất bản các tác phẩm tiểu sử về John Lennon, Mick Jagger, Paul McCartney và Eric Clapton.
- Norman bắt đầu trở thành một cây bút cho tờ The Sunday Times năm 1965. Ông trở nên nổi tiếng vào những năm cuối thập niên 60 và thập niên sau đó nhờ những nghiên cứu về những nhân vật của công chúng và các nghệ sĩ âm nhạc. Norman đã phỏng vấn The Beatles nhiều lần từ năm 1965. Năm 1969, ông được giao nhiệm vụ điều tra và báo cáo về những vấn đề của công ty của The Beatles – Apple Corps. Ông chính là người đầu tiên chứng kiến những sự kiện dẫn đến sự tan rã của nhóm vào những năm 1969-1970.
CHUYÊN GIA NÓI GÌ VỀ CUỐN SÁCH NÀY?
“Cuốn sách rất sống động, và bạn như chìm vào một câu chuyện vô cùng ly kỳ. Tác giả Norman dường như đã tái hiện từ bên trong cuộc sống của ban nhạc The Beatles, cùng lúc đó vẫn giữ được một khoảng cách để đưa ra góc nhìn của chính mình. Ông đã tạo ra một cuốn tiểu sử rõ ràng – toàn diện, thông minh, với cách viết nhạy cảm và sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng.”
—The New York Times
“Đây là sự va chạm đầu tiên và cũng là tuyệt vời nhất giữa lịch sử The Beatles với chiều sâu văn học. Tiêu đề các chương đã nói lên tất cả: Mong muốn được theo sau bởi Đạt được, sau đó Có được – và sau đó Lãng phí. Cuốn sách của Norman đặc biệt xuất sắc trong việc tóm lược lại câu chuyện: những buổi luyện tập đầu tiên của các chàng trai ở Liverpool và Hamburg, sự trỗi dậy và lụi tàn của Đế chế Apple – tất cả được kết tinh với những dòng văn xuôi đẹp đẽ và cái nhìn sắc bén.”
—Q Magazine
“Cuốn tiểu sử hay nhất, chi tiết nhất, nghiêm túc nhất về The Beatles và thời đại của họ”
—Chicago Sun-Times
“...Norman đưa độc giả của mình trải qua những cung bậc cảm xúc thú vị, và anh ấy cũng là người đóng góp thời kỳ Hamburg tốt hơn bất kỳ ai. Nếu bạn muốn tìm kiếm một tinh thần của The Beatles hối hả và mài dũa trên Reeperbahn, cố gắng như những người điên - và dồn nén, tuyệt vọng, điên cuồng - để đến một nơi nào đó, trở nên tốt hơn bất kỳ ai, bạn hãy đọc cuốn sách này.”
— Rolling Stone
“Đẹp và khó đoán như bất cứ bài hát nào của The Beatles”
— Daily Express
SÁCH KHAI MINH TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU