Cuốn sách phải đọc về mối tương quan giữa trí tuệ nhân tạo, công việc và xã hội
Siêu trí tuệ. Tự động hoá. Máy tính có ý thức. Sự thịnh vượng tột độ. Của cải không giới hạn. Con người được giải phóng khỏi lao động nhàm chán.Những cỗ máy sáng tạo. Người máy thống trị. Không còn việc làm. Một tầng lớp vĩnh viễn ở đáy xã hội…
Một số cụm từ và khái niệm trên có thể đã xuất hiện trong các bản tin bạn đọc hằng ngày. Đôi khi, đó là những câu chuyện tích cực và tràn đầy hy vọng. Nhưng cũng có lúc, đó là những câu chuyện đen tối và đáng sợ.
Bạn bối rối trước những luồng thông tin khác biệt, thậm chí đối lập nhau về trí tuệ nhân tạo (AI)? Bạn nhìn tương lai với nỗi hoang mang, chấp nhận rằng những câu hỏi choáng ngợp về AI vốn dĩ không có câu trả lời?
“Thời đại Thứ Tư” (tựa gốc: “The Fourth Age”) chính là ấn phẩm bạn cần. Cuốn sách giải mã những niềm tin cốt lõi đằng sau những quan điểm đa dạng về người máy, công việc, AI và ý thức; đồng thời mổ xẻ chi tiết các giả định, phân tích những tác động tiềm tàng của AI lên mọi cấu trúc xã hội.
Cuốn sách gồm 5 phần được chia thành 26 chương nhỏ. Trong đó, tác giả đưa ra nhiều thông tin độc đáo về bối cảnh lịch sử, sự tiến hoá về mặt sinh học cũng như văn hoá và xã hội của loài người, qua đó làm rõ mối quan hệ phức tạp và dai dẳng của con người với những công cụ tiết kiệm sức lao động.
Mở đầu cuốn sách là chuyến hành trình nhìn lại lịch sử loài người cách nay 100.000 năm. Nói như tác giả Byron Reese, xuyên suốt chiều dài của nền văn minh nhân loại, chúng ta chỉ có 3 lần thay đổi lớn lần lượt là khi lửa, nông nghiệp và chữ viết được phát minh. Và với sự xuất hiện của AI, chúng ta đang tiến gần đến lần thay đổi thứ tư. “Cả thế giới sẽ thay đổi. Chúng ta thật sự đang ở giai đoạn bình minh của một thời đại mới”, Byron Reese nhấn mạnh.
Trong những phần sau của cuốn sách, tác giả tập trung phân tích tường tận về rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đồng thời phác họa những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, khi trí tuệ nhân tạo trở nên “thông minh” và “trí tuệ” hơn gấp nhiều lần so với hiện tại.
“Thời đại Thứ Tư” thảo luận những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực rô-bốt và AI như: Trí tuệ nhân tạo sẽ đạt được “trí tuệ” như thế nào? Máy móc có thể có ý thức, óc sáng tạo, trí tưởng tượng, trí thông minh cảm xúc, xã hội và sự độc đáo như con người không? AI có khiến việc làm biến mất không? Có công việc nào không dành cho máy móc không? Công nghệ sẽ khiến mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo thay đổi ra sao? Con người sẽ định vị bản thân như thế nào trong một thế giới đầy rẫy những thiết bị mạnh mẽ và có thể thông minh hơn chúng ta?
Nội dung sách không quá nặng về kiến thức kỹ thuật, mà tập trung làm rõ những vấn đề đạo đức, xã hội, triết học… liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Suy cho cùng, lý do của những quan điểm trái chiều xoay quanh AI, nằm ở sự khác biệt trong niềm tin của chúng ta về chính mình. Liệu có gì đó “siêu việt”, thần bí nơi con người mà rô-bốt không thể đạt đến hay không? Khi máy móc dần thay thế chúng ta làm việc và lao động, ta cũng sẽ tự hỏi bản thân nhiều hơn về ý nghĩa của việc làm người. Như lời của Kevin Kelly - Chủ biên tạp chí Wired: “Chúng ta cần AI nói cho chúng ta biết chúng ta là ai”.
Sâu sắc. Đa chiều. Tỉnh táo. Lạc quan. Byron Resee còn mang đến cho “Thời đại Thứ Tư” góc nhìn chiến lược của một nhà kinh doanh, sự thấu hiểu của một chuyên gia công nghệ, cùng khả năng dẫn dắt người đọc bằng giọng văn lôi cuốn của một cây viết chuyên nghiệp.
Xuất bản lần đầu vào năm 2018, “Thời đại Thứ Tư” lọt top “Những cuốn sách cần thiết để đón đầu thời đại AI” theo bình chọn của tờ New York Times và Forbes. Sách được Tập đoàn J.P. Morgan đánh giá là cuốn sách phải đọc dành cho những ai quan tâm đến mối tương quan giữa công nghệ, xã hội và công việc.
Báo chí và người nổi tiếng nói gì về tác phẩm Thời Đại Thứ Tư
“‘Thời đại Thứ Tư’ không chỉ thảo luận sự trỗi dậy của AI có ý nghĩa gì đối với chúng ta, mà còn khiến chúng ta phải nhìn nhận lại các định kiến của mình. Và cả hai điều này đều được thực hiện với cách dẫn dắt vừa hấp dẫn vừa có tính giải trí.” - Tờ New York Times.
“Trong ‘Thời đại Thứ Tư’, Byron Reese mang đến cho độc giả một tác phẩm có giá trị vượt ra khuôn khổ thông thường mà mọi người hay nghĩ về trí tuệ nhân tạo và người máy. Ông tập trung vào cách chúng ta nghĩ về những công nghệ này cũng như cách thức mà chúng sẽ thay đổi thế giới mãi mãi. Nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách viết về cuộc cách mạng AI, hãy lựa chọn ‘Thời đại Thứ Tư’.” - John Mackey; Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Whole Foods Market.
Là Giám đốc điều hành kiêm người chịu trách nhiệm xuất bản nội dung cho Công ty nghiên cứu công nghệ Gigaom, đồng thời cũng là nhà sáng lập của một số công ty công nghệ cao. Ông đã dành phần lớn cuộc đời để tìm hiểu mối tương quan giữa công nghệ với lịch sử loài người. Byron Reese có nhiều bằng sáng chế đã được cấp hoặc đang chờ được cấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như gọi vốn cộng đồng, sáng tạo nội dung và tâm lý học. Ông hiện sống ở Thành phố Austin, bang Texas (Mỹ).