Quản trị tốt chính là mục tiêu tối hậu mà mọi quốc gia đều hướng tới trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, mô tả được các nhà nước quản trị tốt không hô biến chúng trở thành hiện thực trong nháy mắt. Những thực hành tốt nhất (best practices) ngầm định rằng tất cả các chính sách và thể chế đều có thể chuyển đổi, cải cách và sắp xếp lại phù hợp với từng hoàn cảnh đặc thù.
"Thuận Theo Hoàn Cảnh" cuốn sách này cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách, những nhà tài trợ cũng như tất cả những ai đang dấn thân vào hành trình cải cách một hướng dẫn thực tiễn, chuyên sâu - một cách tiếp cận “vừa vặn” (good fit) đối với chính sách phát triển, một hướng đi khác với cách tiếp cận “chìa khóa vạn năng tốt nhất” (one-size-fits-all best practices)” đối với tiến trình cải cách thể chế (và rộng hơn là quá trình hoạch định chính sách phát triển) đã thống trị những diễn ngôn chính trị về phát triển trong những thập niên gần đây.
[...]
Giới thiệu
Cuốn sách tích hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế hơn 40 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới chuyên về các chương trình viện trợ phát triển, cải cách thể chế cho các quốc gia đang phát triển của tác giả Brian Levy với những kiến thức sâu rộng về lí thuyết Kinh tế thể chế, Kinh tế hành vi, Lí thuyết trò chơi và Điều khiển học... Do đó, đây là một đóng góp quý giá cho những nhà hoạch định chính sách kinh tế, các nhà nghiên cứu kinh tế phát triển và hoạt động xã hội. Với những tổ chức quốc tế hỗ trợ các chương trình phát triển ở Việt Nam và các tổ chức có quan tâm tới cải cách hành chính và thể chế thì đây chính là cuốn cẩm nang hữu ích.
Theo thống kê, Ngân hàng Thế giới đã chi cho các chương trình phát triển và cải cách thể chế ở các nước nghèo nhưng kết quả mang lại chưa tương xứng với nỗ lực bỏ ra, hay nói chính xác hơn là chưa đáp ứng được kì vọng ban đầu về những cải cách cần đạt được.
Đi sâu phân tích hoạt động của Ngân hàng Thế giới tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, tác giả Brian Levy đã chỉ ra những “gót chân Asin” của chàng khổng lồ World Bank và đề nghị một cách tiếp cận phù hợp hơn theo lối “bổ củi phải lựa thớ gỗ” đối với cải cách quản trị và hoạch định chính sách phát triển. Cách tiếp cận này đưa ra quan điểm mới về thay đổi bằng các thuật ngữ mang tính tiến hóa chứ không mang tính thiết lập, do đó hướng sự chú ý ra ngoài nỗ lực tìm kiếm các chính sách “tối ưu” mà tới việc khởi tạo và duy trì quán tính phát triển.
Với tư duy phân tích hệ thống của Điều khiển học kinh tế, tác giả đặt ra luận đề mang tính xuất phát điểm là: “nền kinh tế, chính thể xã hội và thể chế hỗ trợ của một quốc gia được bao trùm hoàn toàn bởi một mạng lưới phức hợp của sự liên hệ phụ thuộc. Cải cách muốn thành công thì không thể xây lại từ đầu mà phải phù hợp với hoàn cảnh hiện có. Cải cách phải tương thích với động lực của một khối lượng đáng kể những nhân tố có sức ảnh hưởng, để đạt được một cột chống - một điểm tựa trong tiến trình chuyển đổi và sẵn sàng bảo vệ quá trình đổi mới trước sự đối kháng của những người hưởng lợi từ hoàn cảnh cũ. Mục tiêu là tạo ra cú hích cùng lúc trên nhiều lĩnh vực, tìm kiếm những thành tựu, tuy hữu ích và thường xuất hiện với vẻ ngoài rất giản dị, nhưng nhiều khi có thể tạo ra động lực cho một chuỗi thay đổi đầy xung năng vì những điều tốt đẹp hơn”.
Đối với độc giả Việt Nam, phần phân tích, đánh giá mô hình phát triển và cải cách thành công của Hàn Quốc xứng đáng được quan tâm nhiều hơn do sự gần gũi về văn hóa và mức độ liên kết kinh tế giữa hai nước Việt - Hàn hiện nay. Nhận định này xuất phát từ quan điểm của lí thuyết Kinh tế thể chế về mối tương tác chặt chẽ giữa “thể chế chính thức” - bao gồm các quy định luật pháp, các thiết chế, tổ chức do Nhà nước đặt ra với “thể chế không chính thức” - bao gồm các yếu tố văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán và lối nghĩ hình thành nên một dân tộc. Và rõ ràng, cùng theo kinh tế thị trường và cùng trong khối EU nhưng tại sao nền kinh tế Đức luôn luôn dẫn đầu so với các nền kinh tế khác?
Lí thuyết kinh tế Tân cổ điển vốn rất thịnh hành không thể giải đáp thỏa đáng cho những hiện tượng như vậy cho tới khi một trường phái mới - Kinh tế học Thể chế ra đời với những nhà sáng lập là các kinh tế gia từng đoạt giải Nobel nổi tiếng như Acemoglu, Douglas North, v.v. Tác giả Brian Levy còn tiến xa hơn khi kết hợp cách tiếp cận Thể chế với Lí thuyết về hành vi để đưa ra các chính sách phát triển cho các nước nghèo và cận nghèo.
Dù không dễ đọc nhưng cuốn sách này đáng được những người quan tâm đến các vấn đề cải cách thể chế, hoạch định chính sách phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức xã hội dành thời gian và nỗ lực tham khảo.
Là chuyên gia của World Bank (WB) từ 1989-2012, với vai trò Cố vấn, Chủ nhiệm Chương trình Giảm nghèo và Quản lí Kinh tế của WB, phụ trách đơn vị chuyên trách hỗ trợ cải cách khu vực công ở châu Phi, và đồng chủ nhiệm dự án đưa quản trị và chống tham nhũng vào chương trình hành động của WB. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế tại Harvard năm 1983, hiện đang giảng dạy ở Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp, thuộc Đại học Johns Hopkins (SAIS), Mỹ và Đại học Cape Town, Nam Phi.