La Mã (Roma) là tên một quốc gia cổ đại mà nơi phát nguyên là ở bán đảo Ý. Bán đảo Ý dài và hẹp ở Nam Âu, vươn ra Địa Trung Hải, diện tích khoảng 300.000 km2. Phía Bắc là dãy Anpơ ngăn cách với châu Âu, ba mặt còn lại là biển, phía Nam là đảo Xixin, phía Tây là đảo Coocxơ và đảo Xacđennhơ.
Bán đảo Ý có những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một nền văn minh: những đồng bằng phì nhiêu bên sông Pô, Trung Ý và đảo Xixin cùng với khí hậu ấm áp mưa nhiều; bán đảo Ý cũng là nơi có lượng khoảng sản phong phú như đồng chì, sắt. Ở miền Nam có nhiều đồng cỏ rộng lớn thuận tiện cho việc phát triển nghề nông và chăn nuôi gia súc. Ở phía Tây và Nam, bờ biển có nhiều cảng, tàu bè ra vào dễ dàng, thuận lợi cho giao thông, buôn bán và giao lưu với các nền văn minh khác trong vùng.
Bán đảo Ý là nơi có con người cư trú khá sớm. Từ trước thiên niên kỷ II TCN, người Ligua đã vượt qua dãy Anpơ tràn vào các vùng Campanium, Latium và Borutium để định cư. Cuối thiên niên kỷ II TCN, người châu Âu từ phía Bắc tràn xuống tạo nên cộng đồng người Âu trên bán đảo này gọi chung là người Italiôt. Người Italiôt sống ở vùng Latium gọi là người Latinh.
Khoảng thế kỷ X TCN, người Êtøruxcơ từ Tiểu Á thiên di sang, sống chủ yếu ở vùng giữa sông Acnở và Tibrơ. Khoảng thế kỷ VIII TCN, người Hy Lạp di cư đến miền Nam Ý và thiết lập ở đây nhiều thành bang; nhờ vậy, văn minh Hy Lạp được truyền bá trên toàn bán đảo Ý. Cuối cùng là người Xentơ ở phía Bắc dãy Anpơ cũng thiên di xuống, định cư ở phía Bắc bán đảo Ý và vùng đồng bằng sông Pô.
Như vậy từ thiên niên kỷ I TCN, dân cư trên bán đảo này gồm chủ yếu 4 tộc người: Người Galia, người Êtơruxcơ, người Italiôt và người Hy Lạp. Trong 4 nhóm tộc người này, người Latinh (Italiôt) là tộc người giữ vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành đế chế La Mã cổ đại sau này.
Lịch sử của La Mã được các nhà nghiên cứu chia ra thành ba thời kỳ chính như sau:
Thời kỳ từ thế kỷ thứ VIII đến hết thế kỷ thứ IV TCN. Thời kỳ này, xã hội La Mã còn manh mún, các chủ đất chưa thống nhất, có sự phân chia tranh giành ảnh hưởng và cân bằng lẫn nhau. Kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính, lãnh thổ La Mã chủ yếu tập trung tại miền Nam Ý ngày nay.
Thời kỳ Cộng hòa La Mã, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ 1 TCN. Thời kỳ này hình thành nhà nước cộng hòa tại Roma, về sau ảnh hưởng rất lớn đến đường lối chính trị của nhiều quốc gia Tây phương.
Thời kỳ đế quốc La Mã, từ thế kỷ thứ 1 TCN đến năm 476 là thời kỳ phát triển rực rỡ, thời kỳ bành trướng lãnh thổ, đế quốc La Mã có lãnh thổ hầu như toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Lần lượt các vùng lãnh thổ như Hy Lạp, Tiểu Á, Xyri, Phenixie, Palextine và Ai Cập bị sáp nhập vào đế quốc La Mã. Từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ II, đế quốc La Mã phát triển cực thịnh, lãnh thổ rộng lớn, các đô thị của La Mã được xây dựng và còn lại cho đến ngày nay, như Londinium (London ngày nay), Lucdium (Lyon ngày nay), Köln, Strasburg (Vien). Từ thế kỷ thứ II, La Mã xảy ra nhiều sự tranh giành quyền lực và dần suy yếu. Đến thế kỷ thứ IV, nhiều cư dân bên ngoài xâm nhập và La Mã bị chia làm hai: Tây La Mã và Đông La Mã (gọi là đế chế Bidantium)....