Nội dung cuốn sách trình bày một cách toàn diện chế độ giám sát cũng như vấn đề xây dựng pháp luật Trung Quốc về giám sát từ hai góc độ lý luận và thực tiễn, đưa ra các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện thể chế giám sát của Trung Quốc.
Ở góc độ lý luận, cuốn sách tập trung vào bối cảnh của Trung Quốc, lược khảo một cách có hệ thống nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm giám sát, tổng kết cơ sở lý luận, chỉ rõ đối tượng nghiên cứu và các phạm trù cơ bản của pháp luật giám sát, nhằm hiện thực hóa việc xây dựng hệ thống lý luận về pháp luật giám sát một cách khoa học.
Ở góc độ thực tiễn, cuốn sách bắt đầu từ thực tế của Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề mấu chốt trong cải cách thể chế giám sát của Trung Quốc như sự phối hợp, gắn kết giữa quyền giám sát và quyền kiểm sát, cũng như vị trí của các cơ quan giám sát, từ đó đưa ra các đề xuất cải cách thể chế giám sát, gợi ý dịnh hướng của cải cách thể chế giám sát trong tương lai.
Vấn đề pháp trị trong cải cách giám sát là công trình nghiên cứu công phu của Giáo sư Tần Tiền Hồng - nhà khoa học nổi tiếng về công tác cải cách giám sát, công tác tại Học viện Pháp luật thuộc Đại học Vũ Hán. Sách được Nhà xuất bản Dịch Lâm thuộc Tập đoàn Xuất bản - Truyền thông Phượng Hoàng, Giang Tô, Trung Quốc xuất bản tháng 6/2020, là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu chuyên ngành luật cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này. Độc giả có thể tham khảo sách tại Thư viện Quốc gia hoặc thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.