Xã hội học - Những viễn tượng lý thuyết - Trần Hữu Quang

188.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 0 sản phẩm

Tác giả: GS.TS. Trần Hữu Quang

Hình thức: Bìa mềm, 500 trang

Thể loại: Xã hội học

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, 2020

 

Xã hội học - Những viễn tượng lý thuyết - Trần Hữu Quang

Đây là quyển sách mà chúng tôi tập hợp lại một số bài viết về các lý thuyết xã hội học, kể cả những bài đã công bố và những bài chưa công bố, trong đó có những bài liên quan tới một số lý thuyết tổng quát về mối quan hệ giữa xã hội và con người (Phần 1), và những bài liên quan tới những góc nhìn lý thuyết trong một số lĩnh vực xã hội học chuyên biệt (Phần 2).

Đối với những bài đã công bố trong sách hoặc tạp chí nghiên cứu, chúng tôi nhân dịp này có sửa chữa và bổ khuyết những điểm mà chúng tôi nghĩ là cần thiết, kể cả về mặt thuật ngữ, từ ngữ dịch thuật, cũng như về mặt ý tưởng và tài liệu tham khảo.

Toàn bộ các bài viết trong quyển sách này đều là của chúng tôi, ngoại trừ bài “Quá trình lý tính hóa và xã hội hiện đại theo Max Weber” là của chúng tôi và đồng tác giả Bùi Văn Nam Sơn.

Về mặt chính tả, cách viết chữ i ngắn và y dài trong quyển sách này được áp dụng theo những nguyên tắc sau đây mà nhà nghiên cứu văn học Cao Tự Thanh đã xác lập, đó là “tất cả những từ thuần Việt có phần vần là i đều đã được ghi thống nhất với i”, và “chỉ có các từ Việt Hán mới ghi với cả i và y, vì cách đọc Việt Hán chia các từ Việt Hán i/y ra Tam đẳng Khai khẩu và Tam đẳng Hợp khẩu, trong đó nhiều từ thuộc loại Tam đẳng Khai khẩu được viết với y.” Và chúng tôi đã dựa theo bảng tra các từ trong quyển sách của tác giả này để kiểm tra lại cách viết những từ có chữ i ngắn và chữ y dài.

Chắc chắn quyển sách này không thể tránh khỏi những điều sai sót hoặc nhầm lẫn. Chúng tôi thành thực mong độc giả lượng thứ và hy vọng được tận tình chỉ giáo để chúng tôi sửa chữa hoặc bổ sung.

Sài Gòn, ngày 4-11-2019

Viễn tượng lý thuyết có nghĩa là gì?

Nhân có một vài anh chị nêu câu hỏi về ý nghĩa của thuật ngữ “viễn tượng”, tôi xin trình bầy thêm vài ý kiến trả lời như sau.

Viễn tượng (perspective) không phải là “viễn ảnh” (viễn ảnh = “hình ảnh tưởng tượng về tương lai”, theo Hoàng Phê, chủ biên, Từ điển tiếng Việt, in lần thứ bẩy, có sửa chữa và bổ sung, Hà Nội, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2000, tr. 1116).

Cũng không phải là “viễn cảnh” (viễn cảnh = “cảnh tượng trong tương lai xa”, theo Hoàng Phê, sách đã dẫn, tr. 1116 ; tương tự như ý nghĩa của thuật ngữ “triển vọng”).

Ở đây, viễn tượng có thể được hiểu một phần nào đó theo nghĩa “quan điểm” (nghĩa thứ tư của thuật ngữ “perspective”, trong Lê Khả Kế, tổng chủ biên, Từ điển Pháp-Việt, in lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1988, tr. 935).

Một “viễn tượng lý thuyết” (theoretical perspective) là một tập hợp những tiền đề lý thuyết về thực tại vốn làm nền tảng cho những câu hỏi mà ta đặt ra, cũng như cho những cách trả lời mà ta đạt được qua kết quả nghiên cứu (theo Allan G. Johnson, The Blackwell Dictionary of Sociology, 2nd edition, Oxford, Blackwell Publishers, 2000, tr. 327).

Thí dụ : ta có thể coi viễn tượng lý thuyết của Émile Durkheim là mở đầu và đại diện cho xu hướng tổng thể luận (holism, nhấn mạnh tới vai trò của tổng thể cấu trúc xã hội đối với cá nhân) ; viễn tượng lý thuyết của Max Weber là mở đầu và đại diện cho xu hướng cá nhân luận (individualism, nhấn mạnh tới vai trò của hành động cá nhân đối với cấu trúc xã hội) ; và viễn tượng lý thuyết của Peter Berger và Thomas Luckmann là nhằm vượt qua sự đối lập giữa hai xu hướng trên (tức là vừa nhấn mạnh tới vai trò của cấu trúc xã hội, vừa nhấn mạnh tới vai trò kiến tạo xã hội của từng cá nhân trong xã hội).

Cuốn “Xã hội học : Những viễn tượng lý thuyết” đã trình bầy cả ba viễn tượng lý thuyết trên đây, cùng với một số cách tiếp cận lý thuyết xã hội học chuyên biệt khác ứng dụng vào những lãnh vực như xã hội học pháp quyền, xã hội học văn chương, và vào những chủ đề như khái niệm trí thức, nhà kinh doanh và tinh thần kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, và sự biến đổi xã hội nơi các cộng đồng tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.

(Lời của tác giả)

SÁCH CÙNG TÁC GIẢ

Xã hội học nhập môn - Trần Hữu Quang

Một cách tổng quát, có thể nói rằng xã hội học là bộ môn khoa học nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội. Xã hội học ra đời do yêu cầu của bản thân sự vận động của xã hội, đặc biệt là trong những bối cảnh có nhiều biến động hoặc xung đột xã hội.

Một cuộc đình công chẳng hạn, chỉ là một cuộc đình công; nhưng người nào suy nghĩ và khảo sát kỹ hơn thì có thể lý giải cuộc đình công ấy bằng những nhận định như: tổ chức lao động tồi, lương thấp, công nhân không gắn bó với nhà máy…; cũng như có thể tiến hành những phân tích về các nhóm hoặc phe phái trong nhà máy, các loại thái độ của người lao động và của giới chủ nhân, mức độ chuyên quyền độc đoán của giám đốc, tính tích cực xã hội của công nhân … Và đằng sau những sự kiện có vẻ nhất thời ấy ở một nhà máy, người nghiên cứu còn có thể đi đến chỗ đặt vấn đề và nhận định về cả một hệ thống sản xuất, hay thậm chí toàn bộ một hệ thống xã hội.

Bất cứ một biến cố hay hiện tượng xã hội nào cũng đều là một kết quả phức hợp của rất nhiều nhân tố, từ những nhân tố mang tính chất kinh tế, cho đến những nhân tố mang tính chất chính trị, lịch sử và văn hóa. Chính tính chất phức tạp của các hiện tượng xã hội và các quá trình xã hội làm cho ngành xã hội học thường phải nghiên cứu liên ngành (và đôi khi cũng khó phân định ranh giới) với nhiều bộ môn khoa học xã hội khác như sử học, nhân học, dân tộc học, tâm lý học xã hội, kinh tế học, và ngôn ngữ học. Do đó, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xã hội học đã từng có thời bị đồng hóa vào triết học – với tư cách là ngành khoa học khái quát nhất về con người và vũ trụ.

 

zalo