Cuốn sách phác họa cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh rất chân thực và sống động về Khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916, bằng các bản cung của những yếu nhân phong trào như: Vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, Lâm Nhĩ, Phan Thành Tài…; các công văn, điện báo, mật điện, công điện, các bản án cùng các ý kiến của quan lại, đại thần chính quyền Nam triều, chính quyền thực dân Pháp tại Trung Kỳ và Đông Dương đề cập đến cuộc khởi nghĩa.
Cuốn sách sẽ giúp chúng ta trả lời một cách đầy đủ, chính xác các câu hỏi: Tại sao cuộc khởi nghĩa phải diễn ra tháng 5.1916, giờ G. của cuộc khởi nghĩa chính xác là mấy giờ? Sự thực có bao nhiêu lần Thái Phiên - Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân và gặp ở đâu? Có bao nhiêu chiếu chỉ được ban hành? Có hay không sự trợ giúp của người Đức? Những tấm bia miệng về các quan lại Nam triều cộng tác với thực dân Pháp để đàn áp phong trào liệu có hàm oan?…
“Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” ra đời là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới do TS. Lưu Anh Rô (Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng) Chủ nhiệm đề tài, được Hội đồng Khoa học thành phố Đà Nẵng đánh giá Xuất sắc, vào năm 2014.
Nguyễn Trương Đàn - một người con xứ Nghệ rất tâm huyết với lịch sử, văn hóa xứ Quảng, đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về chí sĩ Thái Phiên. Từ đó, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã chủ trì, đăng ký thực hiện đề tài Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới, trên cơ sở toàn bộ hồ sơ về cuộc Khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916, hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại, ở Aix-en Provence thuộc Cộng hòa Pháp.
Từ kết quả của đề tài, Nguyễn Trương Đàn đã biên soạn và xuất bản các tập sách: Vua Duy Tân 1916 (Nxb. Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2014), Khởi nghĩa Duy Tân - Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới (Nxb. Thanh niên và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2014), Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tài liệu mới (Nxb. Đà Nẵng, 2017). Ngay sau khi đề tài hoàn thành, dự định sẽ tiếp tục cho dịch tiếp 250 trang tài liệu tiếng Pháp còn lại, biên tập, chú giải hoàn chỉnh các bản dịch để xuất bản song công việc chưa kịp triển khai thì ông Nguyễn Trương Đàn đột ngột qua đời. Tiếp tục công việc dở dang đó, thời gian qua TS Lưu Anh Rô đã biên soạn, chú thích, bổ sung các bản dịch để hình thành nên tập sách Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ này.