Khi nhắc đến tầm ảnh hưởng sâu rộng của thơ ca Nhật Bản nói chung và cuốn sách “Ba nghìn thế giới thơm” nói riêng trong những thập kỷ gần đây, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ: “Ảnh hưởng sâu rộng này có thể nhận thấy qua báo chí, qua việc nó làm mẫu cho những cuộc thi thơ haiku của lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức, việc thơ haiku được đưa vào nhà trường giảng dạy, việc hình thành các câu lạc bộ thơ haiku trong cả nước từ bấy đến nay, việc nó được trích dẫn liên tục trong các bài viết và luận án có liên quan đến văn học Đông Á…”
Ba Nghìn Thế Giới Thơm
“Haiku trao tặng cho ta một niềm vui lặng lẽ, như một làn hương nhẹ bay đi.”
Thơ ca cổ điển Nhật Bản là như vậy. Không hoành tráng thênh thang như đại lộ thơ của nhiều xứ khác. Không going tố sấm sét. Cũng không lề luật trang trọng như ai.
Không tiêu đề, không đối, không vần, không cầu kỳ.
Thơ ca ấy là lối đi dưới lá. Hoặc một cửa động cô tịch. Bạn gọi thì nó sẽ thưa.
Nghĩa là cửa động sẽ mở khi có tri âm: Vừng ơi, mở ra! Có nguy cơ là cửa động sẽ vẫn đóng im lìm…, vì ta chưa tìm ra tiếng gọi.
Nhưng thơ ca nào cũng vậy mà, riêng gì thơ ca Nhật Bản chứ?
Thử mở lòng như một chút nhụy hoa mơ đi:
Hoa mơ một chút nhụy
Ba nghìn thế giới thơm
Trong thơ ca Nhật, làn hương biểu hiện cách thế kết nối các thi ảnh với nhau, một làn hương vô hình nhưng có thể sáng tạo ra bao ý nghĩa.