Làng Việt là nơi bao đời nay cư dân Việt sinh sống, lao động, sản xuất, tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, đồng thời là nơi cố kết quan hệ dòng tộc, láng giềng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng luôn là “pháo đài” kiên cố để chống giặc ngoại xâm cùng mọi yếu tố ngoại lai, bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Làng và văn hóa làng chính là chỗ dựa vững chắc cho cả dân tộc. Làng và văn hóa làng, đặc biệt là “làng Việt cổ truyền” đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và đã có những công trình có giá trị. Tuy nhiên, vẫn chưa có một công trình tra cứu nào về làng và văn hóa làng Việt cổ truyền.
Là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, gắn bó với đề tài “Làng xã” của tác giả Bùi Xuân Đính - nhà nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học kỳ cựu của Viện Dân tộc học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, công trình Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là kết quả tổng hợp sự trải nghiệm, khảo cứu của tác giả về làng xã Việt từ truyền thống tới hiện tại trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Bộ và Trung Bộ của nước ta. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành cuối năm 2021.
Bách khoa thư (gọi một cách đầy đủ là bách khoa toàn thư) là công trình tra cứu về nhiều lĩnh vực kiến thức nhân loại. Bách khoa thư là bộ sách tra cứu kiến thức tổng quát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Tên gọi của bách khoa toàn thư trong tiếng Anh là “encyclopedia” bắt nguồn từ từ tiếng Hy Lạp cổ εγκύκλιος (có nghĩa là phổ biến rộng rãi) và παιδεία (có nghĩa là giáo dục), hàm nghĩa là “kiến thức phổ thông/đại chúng”. Bách khoa thư ra đời từ thế kỷ thứ IV TCN ở Hy Lạp và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay với những bộ bách khoa thư nổi tiếng trong lịch sử như: Encyclopédie (hay Bách khoa toàn thư Diderot) bằng tiếng Pháp, Britannica, Americana bằng tiếng Anh, bộ Brockhaus bằng tiếng Đức, Đại Bách khoa toàn thư Xôviết bằng tiếng Nga, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư bằng tiếng Trung,… Trên thế giới hiện nay có hai phương pháp chính xây dựng bách khoa toàn thư: hoặc sắp xếp các mục từ theo trật tự ABC, hoặc sắp xếp theo thể loại chủ đề có phân bậc. Phương pháp đầu là phổ biến nhất, đặc biệt đối với những bộ bách khoa thư trình bày kiến thức phổ thông, nổi tiếng nhất là bộ Britannica, Americana,… Còn phương pháp thứ hai có đại diện tiêu biểu là Trung Quốc đại bách khoa toàn thư. Mỗi phương pháp đều có những ưu - nhược điểm riêng và tùy thuộc vào mục đích biên soạn để lựa chọn phương pháp tối ưu. Cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền được tác giả lựa chọn phương pháp sắp xếp theo cụm chủ đề có sự phân bậc, các mục từ được biên soạn và sắp xếp treo trật tự chữ cái ABC.
Trong cuốn sách, tác giả đứng từ quan niệm “làng Việt cổ truyền” của nhà Dân tộc học Trần Từ để làm điểm tựa xây dựng Bảng mục từ và triển khai biên soạn các mục từ: “Làng Việt cổ truyền” tất nhiên không thể là làng Việt “cổ”, không thể là làng Việt dưới những triều đại xưa. Tuy nhiên, làng Việt cổ truyền, dù chỉ cổ truyền dưới dạng được định hình trong thời Nguyễn, triều đại cuối cùng (thế kỷ XIX) và nhất là trong chế độ thuộc địa, vẫn thực sự “cổ truyền” trong chừng mực nó là tế bào của xã hội Đông phương tiền công nghiệp, mà một trong những đặc điểm là tính ngưng đọng tương đối.
Cuốn sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là cuốn bách khoa thư cỡ nhỏ với tổng cộng 312 mục từ, cấu trúc mục từ theo các cụm vấn đề:
- Phần thứ nhất: Các mục từ chung về làng xã với 16 mục từ. Ở phần này, các khái niệm cơ bản về làng, các loại hình làng, xã, thôn được thể hiện thông qua các mục từ mang hàm lượng tri thức cao, có tính khái quát.
- Phần thứ hai: Các mục từ về kinh tế, văn hóa vật chất với 105 mục từ. Các mục từ ở phần này cho thấy văn hóa trồng cây lúa nước của người Việt và các hoạt động sản xuất, buôn bán… xoay quanh nó.
- Phần thứ ba: Các mục từ về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội làng xã với 88 mục từ. Ở phần này, các mục từ thể hiện khá đầy đủ tổ chức, sinh hoạt và các mối quan hệ làng xã của người Việt cổ truyền như quan hệ hôn nhân, huyết thống, dòng tộc, quan hệ cộng đồng,…; các tổ chức, thiết chế của làng như chức quan, các loại hương ước, tục lệ, các hội phường,… từ xa xưa cho đến hiện nay.
- Phần thứ tư: Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết với 80 mục từ, đưa ra các thông tin về hệ thống các di tích thờ cúng gắn với các lễ hội. Ngoài ra, còn có các phong tục, tập quán, tục lệ thờ cúng, kiêng kỵ,… của làng Việt thời xưa.
- Phần thứ năm: Các mục từ về văn hóa, văn nghệ, di văn Hán - Nôm với 23 mục từ. Phần này, các mục từ tập trung tái hiện những nét đặc sắc về văn hóa, văn nghệ và các di sản Hán - Nôm mang nét đặc trưng của làng xã cổ truyền Việt Nam.
Việc xây dựng cấu trúc vĩ mô (bảng mục từ) và cấu trúc vi mô (cấu trúc mục từ) được tác giả dựa trên 8 nguyên tắc đã được đề cập đến trong “Lời tác giả” ở đầu cuốn sách: 1- Tập trung giới thiệu các khía cạnh đời sống của làng Việt cổ truyền theo chiều lịch đại để thấy những biến thiên của nó; 2- Mỗi mục từ cố gắng làm rõ diện mạo khía cạnh đời sống của làng Việt ở dạng cổ truyền; 3- Tập trung biên soạn các mục từ liên quan đến những khía cạnh cơ bản nhất, thân thiết nhất của đời sống làng Việt cổ truyền; 4- Trong khi biên soạn mục từ, chú trọng đến các yếu tố Dân tộc học/Nhân học, Văn hóa học khi giới thiệu các mặt đời sống mà các mục từ được phản ánh; 5- Các mục từ được xếp theo thứ tự ABC theo cụm vấn đề và theo trình tự của vấn đề; 6- Các cụm từ vốn là các câu tục ngữ, thành ngữ được để trong dấu ngoặc kép (“…”) và in nghiêng; 7- Các khái niệm (hay từ) chính của mỗi mục từ được viết hoa, các từ còn lại viết hoa theo quy định chung, trừ một số trường hợp đặc biệt; 8- Cuốn sách kế thừa nhiều tư liệu và luận điểm khoa học trong các bài viết, công trình khác đã được công bố của tác giả.
Cuốn sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là công trình mang tính toàn diện về làng Việt cổ truyền, tác giả đã đặt các yếu tố trong mối liên hệ qua lại, tác động lẫn nhau để làm rõ tính chung và những nét riêng của làng Việt và đời sống của làng. Đóng góp của cuốn sách là biến những kiến thức có phần khô khan đó thành những mục từ giúp cho người đọc dễ dàng tra cứu và học tập. Đây cũng là kênh tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc học/nhân học,… đang tham gia biên soạn, biên tập bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.