Quyền con người là thành quả phát triển lịch sử lâu dài của sự nghiệp đấu tranh giải phóng, cải tạo xã hội và cải tạo thiên nhiên của nhân loại. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và đề cao việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong các bản Hiếp pháp và đặc biệt tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng khẳng định của Nhà nước Việt Nam “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.
Trong hoạt động thi hành án hình sự, bảo vệ quyền và nhân phẩm của những người đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam cần được đặc biệt chú trọng hơn bởi họ đang bị tước tự do, rơi vào nhóm “yếu thế” trong xã hội, dễ bị vi phạm nghiêm trọng đến các quyền con người của người bị kết án phạt tù. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã ghi nhận nhiều quy định về đảm bảo quyền con người của người bị kết án phạt tù. Tuy nhiên cũng còn quy định bất cập, chưa thật sự bảo đảm được các quyền con người của người bị kết án phạt tù được thực hiện trên thực tế, đặc biệt một số nhóm người bị kết án như người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người đồng tính, chuyển giới, người nước ngoài… Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, vẫn còn tình trạng vi phạm các quyền con người của người bị kết án phạt tù trong các trại giam như về điều kiện ăn, ở, học tập, chế độ miễn, giảm chấp hành hình phạt… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền của người bị kết án phạt tù.
Cuốn sách chuyên khảo Bảo đảm quyền con người trong thi hành án phạt tù tại Việt Nam của PGS.TS. Đỗ Thị Phượng - giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật thi hành án hình sự - là một nghiên cứu hệ thống, toàn diện về lý luận và thực tiễn pháp luật về bảo vệ quyền con người của người bị két án phạt tù; đồng thời đưa ra các phân tích, đánh giá, kiến nghị cũng như các cơ chế hữu hiệu nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam hiện nay.