Trong lịch sử Việt Nam, triều Trần được xem là một triều đại huy hoàng vào bậc nhất với võ công, văn hiến và nhiều nhân tài, ba lần thắng quân xâm lược Mông - Nguyên. Lịch sử hào hùng, tráng lệ đó của vua tôi Đại Việt sẽ được thể hiện sinh động và hấp dẫn qua bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Bộ tiểu thuyết gồm 6 tập: Bão táp cung đình, Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Huyền Trân công chúavàVương triều sụp đổ. Trong lần tái bản này, Nhà xuất bản Phụ nữ xin giới thiệu đến bạn đọc bộ sách có bổ sung, sửa chữa hoàn thiện nhất.
Thế kỷ 13 đầy biến động do sự xuất hiện của đế chế Mông Cổ. Quân Mông Cổ đã khuấy đảo suốt từ Á sang Âu, từ bờ Hắc Hải tới Thái Bình Dương ngợp chìm trong khói lửa chiến tranh. Biết bao quốc gia nghiêng đổ, vua chúa bị giết, bị cầm tù và dường như không có sức mạnh nào cản nổi vó ngựa Hồ, dường như không có quốc gia nào là đối thủ xứng tầm với đế quốc Mông – Nguyên. Vậy mà ba lần đoàn quân khổng lồ ấy tràn vào xâm lăng Đại Việt, cả ba lần đều đại bại, hàng chục vạn quân cùng hàng trăm tướng lĩnh lừng danh từng là niềm tự hào của Đại Hãn đều bị bắt, bị giết, và cuối cùng chúa giặc ở Yên Kinh phải bãi binh, tôn trọng nền độc lập của Đại Việt. Vì sao nhà Trần làm được điều đó, bạn đọc sẽ tìm được lời giải đáp qua 6 tập sách trong bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần dưới đây:
Bão táp cung đình (tập 1): Tái hiện sự ra đời của thời đại nhà Trần với vai trò đạo diễn của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông là người có chí lớn trong thiên hạ, vì việc lớn biết dẹp những quyền lợi riêng tư để giữ nghiêm phép nước, đồng thời cũng là người có mưu kế nhằm xây dựng một cơ nghiệp nhà Trần từ buổi còn trứng nước.
Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng (tập 2, 3, 4) tái hiện liên tiếp ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên của dân tộc ta và các chiến thắng đó đã ghi đậm dấu ấn võ công oanh liệt của nhà Trần.
Huyền Trân công chúa (tập 5) viết về đường lối ngoại giao thời bình của vua Trần Nhân Tông, và cuộc hôn nhân đi vào lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân - một cuộc hôn nhân đã mở rộng đất đai của nước Đại Việt. Xuyên suốt tác phẩm thấm đẫm nền văn hóa phong tục hai nước Chămpa và Đại Việt.
Vương triều sụp đổ (tập 6) mở đầu bằng việc dâng “Thất trảm sớ” của Chu Văn An. Các vua quan cuối đời Trần sa vào chuyện ăn chơi sa đọa, coi thường kỷ cương phép nước. Và nhà Trần đi theo vết trượt dài của các triều đại suy đồi dẫn đến sụp đổ.
Với bút pháp điềm đạm, tình lý rạch ròi, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đem đến cho người đọc cả sự chân thực lẫn chân lý lịch sử về một triều đại rừng rực hào khí Đông A. Mỗi người đọc bộ sách, trong địa hạt công việc của mình, đều có thể rút ra những bài học bổ ích, nhưng không thể phủ nhận chân lý nghìn đời rằng, kẻ sĩ là nguyên khí của đất nước, nguyên khí vững mạnh thì đất nước hưng thịnh, nguyên khí suy kém thì đất nước tiêu vong, vua chỉ có thể quý trọng kẻ sĩ như tân khách chứ không thể sai khiến kẻ sĩ như trâu ngựa…
Năm 2008, bộ sách được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Một số trích đoạn hay:
Đảo mắt nhìn mọi người và dừng lâu nơi các vị tân khoa, với chất giọng mềm mại khác thường, ông nói:
Hôm nay mời các vị đến gặp, bởi ta không thể gặp riêng từng vị để chúc mừng. Trước hết là các vị tân khoa. Các vị tuổi còn trẻ, nhưng học thức lại tinh thuần. Ta xin có lời chúc mừng và cũng xin bày tỏ lòng kính trọng. Mong các vị đem học thức của mình với tấm lòng vì dân vì nước để phụng sự quốc gia. Nhân đây ta cũng có lời chúc quan Tri Quốc tử viện (Phạm Ứng Thần), quan thái úy (Phạm Kính Ân), quan nhập nội thái phó (Phùng Tá Chu). Các ông là những người tận tâm với công việc. Nói như nhà Phật là không chấp trước hoặc chấp mê, cứ thấy việc thiện là làm, thấy việc cần phải làm mà làm. Cho nên các ông cũng không kỳ thị hoặc mặc cảm việc khuất thân thờ ai, nhà Lý hay nhà Trần. Thật ra thì chẳng thờ ai cả mà là thờ dân đấy. Lý hay Trần hoặc Đinh, Lê về trước cũng chỉ là cái duyên một thời, thịnh thì còn, suy thì mất. Xưa nay chỉ có vua chúa mất chứ dân không bao giờ mất được. Bởi dân là gốc của nước.
Một vài nhận xét khác:
“Những con chữ trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải không chỉ có nhiệm vụ phục dựng hình ảnh, không khí, sự kiện của quá khứ mà còn mang một sứ mạng quan trọng hơn. Đó là tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay. Tinh hoa đó là truyền thống văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước thể hiện qua những việc làm thiết thực, từ những chiếu dụ của một vị vua như chiếu dụ miễn thuế cho dân hai đợt, mỗi đợt ba năm của Lý Thái Tổ, đến những chính sách, những việc làm của bộ máy điều hành nhà nước ở thời Lý giúp hòa hợp được cả ba tôn giáo lớn trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới xảy ra chiến tranh tôn giáo tàn khốc. Đó là những lễ hội ở cấp làng xã, cấp quốc gia với áo mũ, cờ, trống, ca vũ, không lai căng, pha tạp mà thuần chất Việt, đặc trưng của người Việt. Đó là những gương mặt anh hùng như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, các liệt nữ như Huyền Trân Công Chúa, An Tư Công Chúa, những nhà lãnh đạo có trí và tâm soi sáng cả đương thời và hậu thế như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông… Đó là tinh thần hiếu học, trọng nghĩa, khuyến tài, là truyền thống con kính trọng và hiếu thuận với cha mẹ, dân đồng lòng phò vua, là không khí sục sôi tinh thần quyết tâm giữ nước trước họa xâm lăng. Vì sao Hoàng Quốc Hải lại chọn viết về nhà Trần? Bởi vì đó là một thời đại hưng thịnh vào bậc nhất trong bốn nghìn năm lịch sử của nước ta nhưng cũng là bởi những người dân đất Việt của thời Trần đã ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên, những kẻ xâm lược hùng mạnh và ngang ngược lúc bấy giờ đã chinh phục cả châu Âu, châu Á” - Nhà văn Nguyễn Bích Lan
“Những bài học mà bộ sách Bão táp triều Trần mang lại là những bài học lớn, nó là tinh hoa của con người Lạc Việt hun đúc lại, soi sáng ra và rất cần được tiếp tục bổ sung, tiếp tục phát huy và phát triển. Thái độ nhà văn từ bộ sách này là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với cuộc sống và lao động nghệ thuật ở đây là lao động nghệ thuật chân chính, tâm huyết. Thành tựu ở một bộ sách giá trị ở chỗ nó tạo ra cho độc giả ngoài kiến thức về lịch sử, quân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị… của một thời đại nào đó còn thổi vào trái tim, tâm hồn bạn đọc một ý thức sống, một thái độ sống, một niềm tin, ước mơ và khí phách cho riêng mình…" - Phong Sương
Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử.
Giải thưởng