Bộ Sách Duy Ma Cật Sở Thuyết (Bộ 2 Tập) - Tuệ Sỹ

245.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 100 sản phẩm

Tác giả: Tuệ Sỹ

Hình thức: Bìa mềm, 14 x 20.5 cm

Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức, 2024 (Tái bản)

Bộ Sách Duy Ma Cật Sở Thuyết (Bộ 2 Tập) - Tuệ Sỹ

TIỂU DẪN LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH

I. CÁC BẢN HÁN DỊCH                  

Được ấn hành trong Đại chánh hiện tại, trước sau có tất cả ba bản Hán dịch. Bản dịch sớm nhất do Chi Khiêm,[1] tựa đề «Phật thuyết Duy-ma-cật kinh», thực hiện trong khoảng niên hiệu Hoàng Vũ thứ nhất (222) dưới thời Ngô Tôn Quyền, đến giữa niên hiệu Kiến Hưng (253) thời Ngô Tôn Lượng. Bản dịch này hình như không còn được lưu hành dưới thời Tăng Hựu.

Bản dịch do Cưu-ma-la-thập được kể là bản thứ hai, gần 200 năm sau đó.

Theo mục lục của Tăng Hựu, giữa bản dịch của Chi Khiêm và của Cưu-ma-la-thập còn có ít nhất hai bản nữa đã được lưu hành.

Theo đó, kế tiếp «Phật thuyết Duy-ma-cật kinh» do Chi Khiêm dịch, là «San Duy-ma-cật kinh»[2] một quyển, do Sa-môn Trúc Pháp Hộ thực hiện trong khoảng niên hiệu Thái Thủy, Tấn Vũ đế (265), đến khoảng niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ hai, đời Tấn Hoài đế (308), cùng lúc với nhiều kinh điển khác, mà Tăng Hựu nói là do Trúc Pháp Hộ sang Tây Vực tìm được bản Phạn mang về. Tuy vậy, Tăng Hựu cũng cho biết ý kiến là, Pháp Hộ cắt xén bớt một số kệ trong bản dịch cũ của Chi Khiêm được xem là hơi rườm rà.

Bản dịch tiếp theo đó nữa là «Dị Duy-ma-cật kinh» do Trúc Thúc Lan,[3] thực hiện dưới thời Tấn Huệ đế, niên hiệu Nguyên Khang năm thứ nhất (291).

Khoảng trên dưới mười năm sau, cũng trong thời Tấn Huệ đế, Sa môn Chi Mẫn Độ tập hợp hai bản dịch trước đó, của Trúc Pháp Hộ và Trúc Thúc Lan, biên tập thành một hiệp bản, tựa đề là «Hiệp Duy-ma-cật kinh», năm quyển.[4]

Như vậy, theo liệt kê của Tăng Hựu, về các bản dịch cổ, hay được gọi là «cựu dịch», trước sau có tất cả bốn bản. Nếu kể luôn cả hiệp bản do Chi Mẫn Độ biên tập, có tất cả năm bản.

Trong liệt kê của Pháp Kinh,[5] chỉ kể có bốn:

1. Duy-ma-cật, ba quyển, Chi Khiêm dịch, đời Ngô, niên hiệu Hoàng Vũ.

2. Duy-ma-cật kinh, một quyển, Trúc Pháp Hộ dịch, đời Tấn.

3. Dị Duy-ma-cật kinh, ba quyển, do Trúc Thúc Lan, đời Tấn Huệ đế.

4. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, ba quyển, do Cưu-ma-la-thập, đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy.

Các bản dịch nêu trên, trừ bản của Chi Khiêm, đến nay đều không còn được lưu hành. Tuy nhiên, Tăng Hựu cũng ghi lại được bài tựa của Chi Mẫn Độ viết cho «Hiệp Duy-ma-cật kinh».[6] Qua bài tựa này, cùng với bài tựa của Tăng Triệu, cũng như vị trí của Tăng Triệu trong sự hoằng truyền tư tưởng Tánh Không tại Trung Quốc, cho thấy ngay từ đầu khi bản dịch của Chi Khiêm mới được phổ biến, tư tưởng Duy-ma-cật đã có tầm ảnh hưởng nhất định. Thêm vào đó, nhiều bản dịch, kể cả hiệp bản, cũng cho thấy những nỗ lực của các dịch giả và các nhà nghiên cứu, cố gắng truyền đạt nội dung uẩn áo của Duy-ma-cật bằng phương tiện ngôn ngữ, mà như chính trong đối thoại giữa Duy-ma-cật và Văn-thù thể hiện rất sinh động qua những biểu tượng phong phú hình tượng văn học lãng mạn để vượt qua giới hạn mà ngôn ngữ không thể vượt qua.

Trong các bản dịch, bản do La-thập được truyền bá rộng rãi nhất, với rất nhiều bản chú giải khác nhau qua nhiều thế hệ khác nhau.

Khi La-thập đang ở Cô Tạng, một thanh niên trí thức tìm đến. Đó là Tăng Triệu.[7] Bấy giờ chưa đầy ba mươi tuổi. Ngay vừa gặp gỡ và trao đổi lần đầu tiên, La-thập rất trân trọng không những tài năng văn học và cả về tư tưởng uyên áo của người thanh niên này.

Trước đó, Tăng Triệu rất hâm mộ tư tưởng Lão Trang, nghiền ngẫm lẽ huyền vi của Đạo đức kinh. Nhưng Triệu cũng từng than thở: «Đẹp thì đẹp thật. Nhưng vẫn chưa thể tận thiện chỗ u vi mờ mịt của Thần minh». Sau đó, nhân gặp kinh Duy-ma-cật, bản cựu dịch, cảm thấy bị lôi cuốn, nói rằng, «Bây giờ mới biết đâu là chỗ quay về». Rồi Triệu xuất gia. Vào lúc tuổi chưa quá hai mươi, mà danh tiếng đã khiến những thanh niên cùng thế hệ cảm thấy phải ganh tị vì sở học quảng bác, tư tưởng sâu sắc, tài biện luận bén nhọn không dễ có người đương nổi.

La-thập đến Trường An năm 401. Bấy giờ Triệu mới hai mươi bảy tuổi. Dưới sự hỗ trợ, và cũng là đại tín thí rất ngưỡng mộ La-thập, của Dao Hưng (366-416) vua nước Hậu Tần, La-thập khởi đầu sự nghiệp phiên dịch vĩ đại tại Trung quốc cùng với người môn sinh xuất sắc và cũng là người trợ thủ đắc lực trong công trình phiên dịch; đó là Tăng Triệu. Văn dịch của La-thập được các thế hệ nghiên cứu Phật học Hán tạng rất hâm mộ vì sự lưu loát và trong sáng, trong đó không thể bỏ qua sự đóng góp không nhỏ của Tăng Triệu. Duy-ma-cật sở thuyết kinh[8] do La-thập dịch là một trong những đóng góp rất sáng giá của Tăng Triệu. Ngoài nội dung vừa uyên áo, vừa bao la hoằng vĩ, cùng với rất nhiều hình tượng văn học mang đầy tính chất lãng mạn, Duy-ma-cật nhanh chóng chinh phục tình cảm của rất nhiều văn thi sỹ Trung quốc qua nhiều thế hệ khác nhau.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu bản dịch của La-thập và bản do Huyền Trang dịch lại sau này (Vĩnh Huy nguyên niên, 650 stl.), người đọc có thể thấy không có hình thái ngôn ngữ nào có thể phu diễn tận cùng sâu thẳm nội dung của Duy-ma-cật. Giới hạn cuối cùng của sự diễn đạt ngôn ngữ, là sự im lặng. Sự im lặng này trở thành nguồn rung động bất tuyệt cho nhiều sáng tạo nghệ thuật, từ thi ca cho đến hội họa.

II. VIỆT DỊCH

Hiện có tương đối khá nhiều bản dịch Việt, mà tất cả đều y trên bản Hán của La-thập, nhưng chúng tôi không biết chính xác số lượng bao nhiêu. Trước đây, chúng tôi chỉ mới đọc được bản dịch của Hòa thượng Huệ Hưng, và bản dịch khác của Ông Đoàn Trung Còn. Các bản dịch khác, rất tiếc là chưa có điều kiện để đọc. Điều đáng tiếc hơn hết là hiện chúng tôi không có bất cứ bản dịch tiếng Việt nào để tham khảo, mặc dù không phải đây là những bản tuyệt gốc. Lý do đơn giản vì sự di chuyển của người dịch rất khó khăn, và những quan hệ xã hội bị hạn chế.

Bản dịch Việt này chủ yếu y trên bản Hán của La-thập. Nhưng đồng thời cũng có sự đối chiếu với bản của Huyền Trang. Những dị biệt về dịch ngữ, cũng như về phong cách dịch, sẽ được ghi ở phần cước chú. Một số chi tiết cần thiết, chúng tôi cũng cần tham khảo đến bản dịch của Chi Khiêm khi nội dung giữa hai bản dịch nói trên hoặc không rõ ràng, hoặc mâu thuẫn nhau.

Mặt khác, rất nhiều đoạn cần phải tham khảo giải thích, hay bình chú của La-thập và Tăng Triệu, cũng như sớ giải của Khuy Cơ. Chính yếu, đây là hai hệ tư tưởng khác nhau; tiếp thu nội dung của Duy-ma-cật từ hai nhãn quang khác nhau. Những tham khảo này cũng được ghi lại trong phần cước chú.

Ở đây cũng cần phải thừa nhận rằng, có những nếp gấp của tư tưởng mà ngôn ngữ Hán, vốn rất dị ứng với các ý tưởng siêu hình, không thể chuyển tải trung thực tiếng Phạn, là loại hình ngôn ngữ giàu chất siêu hình và luận lý. Vì vậy, những khi cảm thấy cần thiết, dịch giả chua thêm một vài từ ngữ Sanskrit.

Điều may mắn cho người dịch là sau khi hoàn tất bản dịch căn cứ trên các bản Hán dịch và các chú giải Trung Hoa, trong lúc đang chuẩn bị cho ấn hành, bấy giờ anh Đỗ Quốc Bảo từ Đức quốc mang về cho bản Sanskrit và bản dịch tiếng Tây Tạng, vừa mới được công bố tháng Ba 2004, do nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tokyo.

Bản Sanskrit này được phát hiện do Giáo sư Takahashi Hisao (Cao Kiều Thượng Phu), tháng Sáu, ngày 30, 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu, được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, đang sưu tầm thư tịch trong Thư viện của Cung điện Potala, thủ phủ Lhasa, Tây Tạng. Có thể nói, đây là bản Phạn duy nhất của kinh Duy-ma-cật mà chúng ta có thể có hiện nay. Cuối tả bản có ghi đây là phẩm vật pháp thí của Bhikṣu Śīladhvaja (Tỳ-kheo Giới Tràng). Niên đại sao tả được ghi là ngày 29 tháng Bhādra, khoảng tháng Tám, Chín dương lịch, dưới triều vua Gopāla trị thế năm thứ 12, mà người chép là Caṇḍoka, thị tùng của Vua (Śrīmadgopāladevarājye samvat 12 bhādradine 29 likhityam upasthāyakacāṇḍoka-syeti). Nhà Vua thuộc Vương triều Pāla, cai trị vùng Đông Ấn, bao gồm địa phương Bengal và Orissa, trong khoảng 750-1200, Tây lịch. Trong đó có ba Vua cùng tên hiệu Gopāla nên khó đoán định niên đại dứt khoát. Gopāla I : 750-775; Gopāla II: 967-987; Gopāla III: 1143-1158. Dù sao, giả thiết niên đại sao tả sớm nhất, vẫn là sau bản dịch của Huyền Trang cả trăm năm. Vì vậy, đây chưa phải là bản chuẩn để hiệu chính các bản dịch Hán.

Thực tế phải nói là chính khi đối chiếu với bản Sanskrit này chúng tôi mới phát hiện nhiều chỗ mình đã hiểu nhầm từ hai bản dịch Hán. Bởi vì bản dịch của La-thập phần lớn theo nguyên tắc ý dịch, cho nên có nhiều đoạn quá cô đọng, và nhiều đoạn gần như tóm tắt nội dung từ bản Phạn chứ không phải dịch. Đây là điều thường dẫn đến giải thích sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu chỉ dựa trên các bản dịch của La-thập.

Mặt khác, bản dịch của Huyền Trang theo nguyên tắc trực dịch, do đó nhiều câu văn Hán chịu ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp Phạn, mà nếu người không có kiến thức cơ bản về Phạn ngữ sẽ phân tích nhầm lẫn về mối quan hệ giữa các từ trong một mệnh đề, và mối quan hệ nhân quả giữa các mệnh đề phụ và mệnh đề chính. Chính cấu trúc phức tạp ngữ pháp này của Phạn ngữ mà hai vị đại dịch giả La-thập và Huyền Trang đã không đồng ý nhau nhiều điểm, đôi khi ý nghĩa mâu thuẫn nhau. Khuy Cơ đã phát hiện ra nhiều điểm dị biệt này và cố ý hội thông. Đôi khi Ông không ngần ngại cho rằng La-thập có thể dịch sai. Ngay trong phần chú giải, nhiều đoạn La-thập cũng cho biết ngài đã dịch thoát như thế nào, khiến bản văn Hán khác biệt với nguyên bản Phạn như thế nào.

Ngoài ra, trong khi tham khảo tả bản Sanskrit, chúng tôi cũng nhờ đến sự hỗ trợ rất nhiều của bản dịch Tây Tạng. Một số lỗi sao chép trong tả bản Sanskrit chưa được hiệu chính và chuẩn hóa, nên cần phải dò theo bản Tây Tạng để biết chính xác từ ngữ. Nhiều đoạn ta thấy rõ ràng giữa hai bản dịch Hán đều có chung một văn bản Phạn, nhưng do phân tích ngữ pháp bất đồng nên văn nghĩa dịch mâu thuẫn nhau. Trong trường hợp như vậy cũng cần đến sự viện trợ của bản Tây Tạng để tìm hiểu ý nghĩa được xem là tương đối chính xác từ nguyên bản Phạn, vì người dịch biết rằng trình độ Phật pháp cũng như trình độ Phạn ngữ của mình không đủ để thẩm định văn nghĩa của hai nhà Phật học vĩ đại này. Tất nhiên không thể mong có mức độ chính xác tuyệt đối.

Mặt khác, Thư mục trong bản giới thiệu và công bố tả bản Sanskrit của Vimalakīrtinirdeśa cung cấp khá đầy đủ tin tức các bản dịch Hán, Tây Tạng, và dựa trên các bản dịch này là các bản dịch và các công trình nghiên cứu phương Tây và Nhật Bản. Trong số các tư liệu này, chúng tôi chỉ tìm thấy được vài ba bản dịch qua mạng điện toán toàn cầu. Các bản dịch này không giúp ích gì được nhiều nên chúng tôi không ghi như là sách tham khảo ở đây. Tuy nhiên, khi đọc qua các bản dịch này, chúng tôi mới thấy sự khó khăn của người dịch nếu muốn đòi hỏi sự chính xác. Bởi vì, trước khi phát hiện được Phạn bản để đối chiếu, nhiều ức đoán về nguyên ngữ Sanskrit trong các bản dịch ấy đã sai lầm. Trong hoàn cảnh như vậy, bản dịch Việt tự cảm thấy chưa được như mong muốn. Hy vọng độc giả có thể siêu việt ngôn từ để đi thẳng vào những nội dung tiềm ẩn mà các bản dịch không làm nổi.

Song song với bản dịch này, là «Huyền thoại Duy-ma-cật», tạm gọi như vậy, giới thiệu nội dung các chương của «Kinh Duy-ma-cật», sẽ được in thành tập sách riêng biệt. Tập Pháp thoại này chỉ có mục đích nêu những điểm mà bản dịch không thể chuyển tải hết.

Người xưa đã nỗ lực rất nhiều để đi sâu vào nguồn mạch tư tưởng của Duy-ma-cật, và từ đó cũng đã tỏa sáng những ảnh tượng diệu kỳ của sự sống, của con người và thế giới sinh động của con người.

Cho đến ngày nay, những ảnh tượng ấy cũng còn là chất liệu sáng tạo nên những giá trị tuyệt vời của sự sống. Thiên nữ tán hoa vẫn hiện diện ngay giữa trái tim rung động của mỗi chúng sinh theo nhịp rung động của sự im lặng bao la, từ cõi tịch mặc vô ngôn của thực tại.

Quảng Hương Già-lam. Sau mùa An cư, mùa Thu, PL. 2548
Tuệ Sỹ

[1] Tăng Hựu, Xuất Tam tạng ký tập (445-518), T55n2145, tr. 6c14: «Duy-ma-cật kinh», 2 quyển, khuyết.

[2] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 8c16: San Duy-ma-cật kinh, 1 quyển 刪維摩詰經一卷, Sa-môn Trúc Pháp Hộ 沙門竺法護.

[3] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 9c12: Dị Duy-ma-cật kinh, 3 quyển 異維摩詰經三卷, Trúc Thúc Lan 竺叔蘭.

[4] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 10a11: Hiệp Duy-ma-cật kinh, 5 quyển 合維摩詰經五卷, Sa môn Chi Mẫn Độ 沙門支敏度.

[5] Pháp Kinh, Chúng kinh mục lục (594), T55n2146, tr. 119a9.

[6] Tăng Hựu, nt., T55n2145, tr. 58b21.

[7] Tuệ Hạo, Cao tăng truyện, quyển 6, T50n2059, tr. 357c13.

[8] Xem bài tựa của Tăng Triệu.

Thông tin tác giả Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam. Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả. Ông hiện là Đệ nhất phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Ðại Tự diển

Bộ Sách Duy Ma Cật Sở Thuyết (Bộ 2 Tập) - Tuệ Sỹ

zalo