Trong gần 20 năm nay, cuốn sách này đã giúp các nhà thiết kế từ chuyên nghiệp đến không chuyên làm quen với các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế. Bằng các hướng dẫn vô cùng dễ hiểu, tác giả Robin Williams đã cho hàng ngàn người bí quyết làm thiết kế của họ trở nên chuyên nghiệp chỉ bằng bốn nguyên tắc đơn giản đến bất ngờ. Ở phiên bản mới nhất, Cẩm nang thiết kế cho người không chuyên cung cấp nhiều lời khuyên thực tế về sắp chữ và thiết kế, giúp độc giả rèn luyện con mắt thiết kế qua nhiều ví dụ thực tế trực quan, sinh động, cùng nhiều câu đố và bài tập có tính áp dụng cao.
Dù cho bạn đang ấp ủ ước mở trở thành nhà thiết kế hay chỉ muốn biết dàn trang sắp chữ cơ bản để tạo nên những ấn phẩm phục vụ công việc của mình, quyển sách này cũng sẽ giúp bạn tự tin đối mặt với mọi dự án thiết kế.
Cẩm Nang Thiết Kế Cho Người Không Chuyên sẽ hướng dẫn bạn:
Bốn nguyên tắc cơ bản áp dụng cho mọi thiết kế
Cách vận dụng màu sắc trong thiết kế
Cách sử dụng kiểu chữ trong thiết kế
Cách để kết hợp nhiều kiểu chữ sao cho đạt hiệu quả tối ưu
Cách để quan sát và tư duy như một nhà thiết kế
Bí quyết cụ thể để thiết kế bản tin, tờ rơi, quảng cáo, và nhiều ấn phẩm khác
Trích dẫn sách Cẩm Nang Thiết Kế Cho Người Không Chuyên
Bốn nguyên tắc cơ bản áp dụng cho mọi thiết kế
Sau đây là giới thiệu tổng quan về các nguyên tắc thiết kế cơ bản góp mặt trong tất cả những thiết kế chỉn chu. Mặc dù tôi lần lượt thảo luận riêng về từng nguyên tắc, hãy nhớ rằng thật ra chúng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Bạn hiếm khi chỉ áp dụng một nguyên tắc.
1. Tương phản (Contrast)
Mục đích của sự tương phản là nhằm tránh tình trạng trên một trang thiết kế có nhiều yếu tố trong tương tự như nhau. Nếu các yếu tố (kiểu chữ, màu sắc, kích cỡ, độ dày nét chữ, hình dạng, khoảng cách,... ) không giống nhau, hãy làm cho chúng trông khác hẳn. Sự tương phản thường là đặc điểm thu hút thị giác quan trọng nhất trên trang thiết kế — là cái đầu tiên khiến người ta phải nhìn vào. Đồng thời, nó còn làm sáng rõ thông điệp cần truyền đạt.
2. Lặp lại (Repetition)
Hãy lặp lại các yếu tố thị giác xuyên suốt một sản phẩm thiết kế. Bạn có thể lặp lại màu sắc, hình dạng, họa tiết, quan hệ không gian, độ dày nét chữ, phong chữ (font), kích cỡ, đồ họa,... Điều này giúp thông tin trông có tính tổ chức, và củng cố sự thống nhất phong cách trên toàn sản phẩm.
3. Thẳng hàng (Alignment)
Không nên xếp các yếu tố trên trang một cách tùy tiện. Mỗi yếu tố cần có sự liên kết về thị giác với yếu tố khác, nhằm tạo ra một diện mạo gọn gàng và tinh tế.
4. Gần kề (Proximity)
Những yếu tố có liên quan với nhau nên được nhóm lại gần nhau. Khi nhiều yếu tố nằm gần nhau, chúng tạo thành một đơn vị thị giác thay vì những đơn vị riêng biệt. Điều này hỗ trợ cho việc tổ chức thông tin, giảm sự rối rắm và cho người xem một bố cục rõ ràng.