Nhân loại ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia, các tổ chức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của thế giới. Các tổ chức đa quốc gia điển hình như Liên Hợp Quốc tưởng chừng sẽ là một diễn đàn để các quốc gia cùng hợp tác, cùng phát triển và cùng đề phòng những mối an nguy còn tiềm tàng. Thế nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chúng ta mới có cái nhìn cụ thể và sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa các cường quốc, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc trong những “sân chơi” quy mô toàn cầu này!
Ấn phẩm “Cạnh tranh Mỹ - Trung trong các tổ chức quản trị toàn cầu, khu vực và một số hàm ý đối sách của Việt Nam” do TS. Mai Thị Hồng Tâm chủ biên, là một đề tài nghiên cứu cấp thiết về thực trạng quản trị toàn cầu, khu vực hiện nay trên thế giới. Sự phù hợp, sát sao và ứng biến nhanh chóng chính là yếu tố cần để các tổ chức quản trị toàn cầu, khu vực đối mặt với những nguy cơ và rủi ro về an ninh toàn cầu như lương thực, dịch bệnh, tài chính tiền tệ, năng lượng,… Thế nhưng lợi ích chung để đạt được những điều đó đã thực sự diễn ra chưa hay ngay trong chính những tổ chức lớn của thế giới vẫn tồn tại sự cạnh tranh ngầm giữa hai quốc gia được coi là 2 cực của thế giới hiện tại?
Xu hướng thế giới đa cực đã và đang có xu thế xuất hiện, các cường quốc mới nổi lên với các tiềm lực về kinh tế, quân sự chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng đến các tổ chức quản trị toàn cầu, khu vực. Vậy nên Việt Nam cần nắm bắt tình hình để đưa ra những đối sách phù hợp để phát triển đất nước cũng như dung hòa mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc.