“Có ba điểm tạo nên giá trị đặc sắc cho Chìm nổi ở Sài Gòn: chủ đề độc đáo – đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo Sài Gòn thời thuộc địa, sự nghiên cứu xuất sắc và văn xuôi tao nhã của Haydon Cherry.” – Peter B. Zinoman, Đại học California, Berkeley
Tác phẩm “Chìm Nổi ở Sài Gòn” - cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy chủ đề trung tâm là thân phận người nghèo đã cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu sắc về tình cảnh lịch sử và những biến đổi ở Sài Gòn thời thuộc địa trong khoảng 4 thập niên đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách này bắt đầu từ thời điểm năm 1904, vào đêm trước một cơn bão làm hư hại mùa màng, khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào hỗn loạn, gây ra cảnh khốn cùng ở Sài Gòn và các tỉnh khác. Chương một đặt lịch sử Sài Gòn vào bối cảnh của ngành buôn bán lúa gạo trong khu vực, giải thích bối cảnh phát triển giúp Sài Gòn trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho người tìm cơ hội đổi đời vào giai đoạn này. Sau đó 6 chương còn lại vén màn về cảnh đời bần cùng của những người nghèo thành thị.
Nương theo mạch tường thuật chuyện đời và những biến cố của họ - Lương Thị Lắm, một gái mại dâm đến từ tỉnh Biên Hòa, cô tha hương cầu thực và chạy trốn chánh quyền thuộc địa; Trần Dưỡng, một thợ đá người Khách Gia [Hakka - Hà Cá] xuất thân từ miền Nam Trung Hoa, bị chủ cũ của mình buộc tội gia nhập hội kín Thiên Địa Hội; Aimée Lahaye, một cô gái trẻ lớn lên trong viện dục anh của Hội Thánh nhi (Holy Childhood Association), về sau nhận ra bản thân mồ côi thêm một lần nữa giữa dòng đời; một “ngựa người” tự xưng tên Nguyễn Văn Thủ, làm phu xe rong ruổi trên khắp đường phố Sài Gòn; một người khuyết tật tên Trần Văn Chinh, phải vật lộn với tình trạng tật nguyền; và Félix Colonna d’Istria, một người Pháp nghèo khổ, luôn là nạn nhân của sự bất cẩn của chính mình. Tác giả Haydon Cherry đã khéo léo lồng ghép để vẽ nên một bức tranh thuộc địa Sài Gòn và Nam kỳ dưới tác động của thời cuộc, từ sự kiện di dân cho đến tình hình kinh tế thế giới biến động.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ có cơ hội được thấy lại Sài Gòn một thuở thịnh vượng nhờ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, trở thành “miền đất hứa” cho nhiều người ở các xứ bảo hộ kề cận; nhưng đồng thời cũng chứng kiến cảnh cuộc đời người nghèo chịu ảnh hưởng ra sao, nhất là khi một viên chức chánh quyền người Pháp cũng có thể rơi vào cảnh bần cùng. Là cuốn sách đầu tiên mô tả rất chi tiết đủ loại cảnh nghèo - bần cùng, cách viết của “Chìm Nổi ở Sài Gòn” làm người đọc không khỏi cảm thấy xót xa cho phận đời cùng khổ của một nhóm người ngày xưa.
Tác giả cũng làm sáng tỏ những góc khuất khác như cách chánh quyền thuộc địa đã quản lý và có chế tài thế nào khi nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, hay khi người ta tìm cách vu vạ một thành viên trong cộng đồng là Thiên Địa Hội để trả thù - cho thấy nỗi ám ảnh mà hội kín này gây ra cho chánh quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu.
Ngoài ra, cuốn sách còn giúp độc giả khám phá các khía cạnh xã hội thời kỳ này như chuyện về thẻ căn cước kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt, hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế… đồng thời đóng vai trò như một cuốn địa chí, cung cấp thông tin về một số địa danh ở Sài Gòn.
Cuốn sách được viết dựa trên nguồn tư liệu phong phú, bao gồm số liệu thống kê đã xuất bản, thư truyền giáo, các báo cáo chính thức, lời kể của những du khách, các phóng sự và những nghiên cứu khoa học xã hội thuộc địa,.. với phần ghi chú kỹ lưỡng giúp độc giả có thể dễ dàng tiếp cận vấn đề khi đọc.
Trích đoạn sách "Chìm Nổi Ở Sài Gòn - Những Cảnh Đời Bần Cùng Ở Một Thành Phố Thuộc Địa"
“Một kẻ lang thang chân đi tập tễnh bước lên vũ đài lịch sử Việt Nam hiện đại vào đầu tháng 2 năm 1913.
Người này bước lên vũ đài, cách xa ánh đèn sân khấu, không có tiếng nói, thậm chí không có tên tuổi.
[…]
Cuốn sách này tìm cách làm sáng tỏ cuộc sống của những người như Lê Văn Bội [người lang thang kể trên], một trong số rất nhiều người nghèo ở thuộc địa Sài Gòn. Xuyên suốt cuốn sách này, độc giả dõi theo hành trình của sáu người nghèo - một gái mại dâm, một thợ người Hoa, một phu xe, một cô nhi, một người tàn tật không thể chữa khỏi và một người Pháp nghèo khổ - cả sáu người đều sống ở Sài Gòn trong bốn thập niên đầu thế kỷ XX. Họ và những người cùng khổ giống họ không diễu hành tuần tự theo đội hình như những thành viên của đội quân lao động dự bị xuôi theo con đường hẹp hướng đến cách mạng trong một tương lai không xa. Họ chọn con đường của riêng mình khi đi theo những vận hội đang biến đổi trên quê hương của họ, những biến động và thăng trầm của nền kinh tế lúa gạo trong khu vực, và những ràng buộc thể chế của đời sống dưới chế độ thực dân.”
– “Lời nói đầu”
“Những câu chuyện trong sách này minh chứng cho sự khéo léo và cá tính của những người nghèo ở thuộc địa Sài Gòn: một gái mại dâm đến từ Biên Hòa cố gắng trốn tránh chánh quyền thuộc địa rồi bị giam trong khám đường và trạm xá thành phố; một thợ đá người Hoa ở tỉnh giáp ranh Sài Gòn sử dụng hệ thống tư pháp để chống lại sự lạm dụng và bóc lột của những tay chủ cũ; một di dân từ Bình Ðịnh vào tìm việc ở Đồng bằng sông Cửu Long, rồi đi đốn gỗ, làm thuê trong đồn điền cao su, và dùng bí danh để có thể kéo xe kéo rong ruổi trên khắp thành phố Sài Gòn đặng mưu sinh; một bé gái lai u-Á lớn lên trong viện dục anh, trở thành “cô nhi” một lần nữa khi trưởng thành, buộc phải dựa vào tình bạn để sinh tồn và vào lòng nhân từ của vị bộ trưởng thuộc địa để trở về quê nhà của mình; một người phu từ Gia Định làm việc trong một nhà in, trở thành một người tàn tật vĩnh viễn và đi ăn xin trên đường phố Sài Gòn trong hơn một thập niên trước khi được dưỡng bệnh trong một dưỡng đường do các sơ Dòng Thánh Phaolô thành Chartres điều hành; và một công chức Pháp làm việc cho Nha Thuế quan và Độc quyền Đông Dương, mở một tờ báo và nhận một cậu bé người Việt làm con nuôi để đổi lấy á phiện, trước khi sống nhờ vào cơ quan từ thiện của chánh quyền. Trên hết, những câu chuyện như vậy minh họa rằng những trải nghiệm về sự nghèo đói và chế độ thực dân ở Sài Gòn mới phong phú và đa dạng làm sao, với cả mảng sáng lẫn mảng tối vừa pha loãng nhau vừa lộn xộn đến nhường nào.”
– “Lời bạt”
“Kể từ thời điểm này, Lương Thị Lắm lùi xa về phía chân trời. Sau năm 1908, cô không còn xuất hiện trong tài liệu lưu trữ nào nữa. Nhiều yếu tố đã định hình cuộc đời cô: thiên tai, mất mùa và ngành buôn bán lúa gạo khủng hoảng, di cư thành thị, tình trạng vô gia cư, luật pháp thuộc địa, cảnh sát thành phố, nạn hoa liễu và trạm xá thành phố, v.v… Không nghi ngờ gì, những yếu tố như vậy đã định hình cuộc sống của các gái mại dâm khác trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX.”
– Chương Hai, “Người phụ nữ tha hương cầu thực”
“Nhưng các con đường này không phải lúc nào cũng dẫn tới cơ hội việc làm lâu dài hay được trả lương cao. Có một số người tìm được việc, nhiều người khác thì không: việc làm sẵn có luôn ít hơn số lượng di dân. Thay vì tìm việc trong các hãng vận tải biển, hãng nhập khẩu và cửa hiệu, nhiều di dân làm những công việc tạm bợ như tôi tớ và đầu bếp, gánh hàng rong, phu công nhật, phu xe, gái mại dâm và ăn xin cùng nhiều nghề tạm bợ khác. Họ có thể rời khỏi vùng nông thôn vì bất kỳ lý do gì: nợ nần và không có đất đai, lũ lụt, hạn hán hoặc một số thảm họa thiên tai khác, hay chỉ đơn thuần vì họ mong muốn thoát khỏi sự tù túng của cuộc sống nông thôn. Nhưng hầu hết di dân lên thành phố vì những cơ hội việc làm mà ngành xuất khẩu gạo đang tăng trưởng tạo ra. Ngay cả khi có rất ít cơ hội kiếm được một công việc có mức lương cao, thì mong ước của họ về một cuộc sống tốt hơn ở một chân trời xa xôi nào đó vẫn có thể khiến cho quyết định di cư tưởng chừng khá hợp lý. Vào đầu thế kỷ XX, một mong ước như vậy có vẻ như đã đưa đường dẫn lối cho nhiều di dân nghèo tìm đến Sài Gòn trong những năm sau cơn bão [thiên tai luôn chực chờ đe dọa ngành nông nghiệp].”
– Chương Một, “Từng bước phát triển”
“Những di dân người Hoa đầu tiên mang theo cùng họ các nghi lễ và truyền thuyết của Thiên Địa Hội tới Nam kỳ vào cuối thế kỷ XVIII. […] Thiên Địa Hội nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam và miền Đông Nam của Trung Hoa. Các hội viên Thiên Địa Hội bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và bấp bênh.
[…]
Các hội viên Thiên Địa Hội đã phá Khám Lớn Sài Gòn vào đầu năm 1916 nhằm giải cứu cho Phan Xích Long và âm mưu lật đổ người Pháp, vãn hồi trật tự và làm theo ý Trời. Chỉ hai tháng sau, thời điểm Trương Thất viết thư cho quan chủ tỉnh Biên Hòa và đưa tin rằng Trần Dưỡng cùng những thợ đá lập ra một phân đà của Thiên Địa Hội, viên quan đã trục xuất họ ra khỏi Nam kỳ.”
– Chương Ba, “Giữa trời và đất”
Thông tin về tác giả Haydon Cherry
Haydon Cherry hiện là nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại, đặc biệt là Việt Nam hiện đại. Haydon Cherry lấy bằng Thạc sĩ Lịch sử của Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2011, anh nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale.
Hiện anh giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ, như Đại học Northwestern, Đại học bang North Carolina… Tác giả Haydon Cherry quan tâm đến lịch sử kinh tế và xã hội của Đông Nam Á hiện đại nói chung và lịch sử của Việt Nam và Myanmar nói riêng. Với những công trình và tiểu luận lịch sử của mình, Haydon Cherry đã nhận được một số giải thưởng.
Ngoài Down and Out in Saigon: Stories of the Poor in a Colonial City (Chìm nổi ở Sài Gòn: Những cảnh đời bần cùng ở một thành phố thuộc địa) xuất bản năm 2019, tác giả Haydon Cherry còn một số dự án nghiên cứu khác về Việt Nam và Myanmar.