Cuốn sách giới thiệu tuyển chọn 43 truyện ngắn của nhà văn Phan Thị Vàng Anh: Khi người ta trẻ, Chuyện trẻ con, Hội chợ,… Tất cả đều phản ánh một cách nhìn về cuộc sống của những người trẻ hôm nay: công việc của họ, tình cảm và cả lối suy nghĩ khác, các cách làm việc khác…
Những bài viết trong cuốn sách nhỏ này thật sự rất đáng đọc. Đọc để suy ngẫm. Chuyện cũng chẳng có gì, chỉ là nỗi hoài nhớ phảng phất về Hà Nội cổ, là việc dọn nhà - gói bánh chưng ngày Tết, là bài tập luyện Facebook, là hình ảnh hai chị văn phòng làm "công tác văn hóa" trong ngày hội thơ... Những mảnh ghép vụn vặt, những lo toan ngày thường nhưng lại khiến chúng ta bình tâm hơn.
Chúng ta được gì và mất gì trong thời đại này? Làm thế nào để không bị cuốn trôi đi giữa ngồn ngộn thông tin hỗn tạp? Làm thế nào thoát khỏi sự ràng buộc tuyệt đối của công nghệ hiện đại. Phan Thị Vàng Anh đưa ra câu trả lời cực kỳ đơn giản: "...Facebook thì cũng như nước lọc, tùy ta pha thêm cái gì vào và dùng với tần suất ra sao. Dùng quá thường xuyên thì mất thời gian cứ chốc chốc lại phải chạy vào nhà vệ sinh đi tiểu... Nếu chuyện uống nước nhiều hay ít, uống nước gì, chuyện mặc quần áo gì, mặc ít hay mặc nhiều chúng ta đều có thể dễ dàng tự quyết thì chuyện dùng Facebook ra sao cũng là một hành vi mà người trưởng thành hoàn toàn có thể điều tiết."
Cuộc đời vốn dĩ chớp mắt thoảng qua, nhưng đừng vì thế mà sống cuồng, sống vội. Sống trân quý và hữu ích từng phút giây, sống nhẹ nhàng thanh thản giữa vòng xoáy, chỉ cần chúng ta có ý thức nghiêm khắc về bản thân, về hữu hạn mà thôi.
Giới thiệu sách Chuyện Nhà Tí Và Chuyện Nhiều Nhà Khác Khác (Bìa Cứng)
"Chuyện nhà vốn được cho là những chuyện be bé, nghe không nghiêm trọng như chuyện sự nghiệp, lại càng không sang trọng như chuyện lý tưởng. Đời ai chẳng loanh quanh thu xếp hoặc nghe ngóng mấy việc về quê, lễ tết, kết hôn ly hôn, làm dâu, dạy dỗ con cái, nịnh vợ, làm đẹp, sống thật sống ảo, tán gẫu tào lao, giải trí, du lịch... Những thứ thảy đều quen thuộc ấy khiến đa phần chúng ta lướt qua, thời gian đâu cho những tình huống vu vơ, những lời nói thoảng qua, những con người mờ nhạt.
Nhưng Phan Thị Vàng Anh dừng bước ở những tình huống rất bé đó. Nhà văn kể lại chuyện tưởng như không có gì, bằng một giọng văn hơi phớt tỉnh mà sắc lẻm, hài hước, hóa ra lại gợi đến những nỗi cắc cớ của đời không dễ gì xếp đặt, trình bày số phận con người, thậm chí bi kịch nhân sinh. Đọc rồi bạn sẽ thấy thấp thoáng sau con chữ hoặc cái cười nhẹ bao dung, hoặc cái nháy mắt tinh tường, hay một tiếng thở dài xao xác."