“Bạn không thấy gì khác đâu, ở bất cứ phương hướng nào, ngoài bầu trời bao la và cát trắng mênh mông, không có một chút dấu vết nào của đường sá, và người đi đường không biết định hướng bằng cách nào ngoài việc nhìn theo những bộ xương người và thú và phân lạc đà. Trong cuộc hành trình băng qua vùng hoang dã này, bạn nghe thấy các loại âm thanh, đôi khi như tiếng hát, đôi khi là tiếng khóc than mà người đi đường thường đi tách ra để nghe cho rõ đó là tiếng gì, rồi đi chệch khỏi lộ trình và hoàn toàn mất tích, vì đó là tiếng nói của linh hồn và yêu tinh”
Đó là những mô tả của Marco Polo về sa mạc Lop chết chóc, nằm trên Con đường Tơ lụa thế kỉ 13; khi đoàn người nhà Polo từ Venice băng qua vùng Trung Á rộng lớn, đến Thượng Đô. Mô tả đó chính xác với những gì người đọc cuốn Travels cần để không bị chệch hướng bởi các ảo cảnh từ chính người kể: Cẩn thận, lần theo các dấu vết lịch sử, và không để tiếng gió hát làm mất dấu.
Marco Polo, trong chuyến du hành nổi tiếng của mình đã ngẫu nhiên sống trải đúng thời kỳ hình thành và trỗi dậy của nhà nước Mông Cổ từ xã hội bộ lạc, với những chuyển đổi mạnh mẽ từ các mối quan hệ thân tộc chuyển sang quan hệ xã hội tự nguyện dựa trên những lợi ích chính trị (Một ví dụ tiêu biểu là Thành Cát Tư Hãn: người tiêu diệt các người anh em cùng huyết thống của mình nhưng lại duy trì một mối quan hệ gắn bó khăng khít, thủy chung và trung thành với người bạn chiến đấu không chung máu mủ. Tạo ra các liên minh dựa trên lợi ích chính trị chứ không dựa trên huyết thống, ông gây dựng một mạng lưới mở rộng khắp thảo nguyên và dần định hình nên sức mạnh đội quân Mông Cổ) – Đây là thời điểm xã hội Mông Cổ bắt đầu vượt qua mối quan hệ thân tộc và định hình các mối quan hệ chính trị chuẩn mực.
Du hành từ Venice qua một quãng đường hàng chục nghìn dặm đến Thượng Đô, Polo băng qua một vùng rộng lớn của Đế chế Mông Cổ vào thời kỳ đỉnh cao huy hoàng của nó. Các mô tả của ông là một sự bổ trợ rất thú vị để người ngày nay có thể hình dung và có một view cận cảnh về bước chuyển lịch sử này. Đó là khi, sau hơn 1 thế kỉ, người Mông Cổ, từ vùng thảo nguyên ở châu Á đã chinh phục Trung Á, phần lớn Trung Đông, Nga, một phần Đông Âu, Bắc Ấn và toàn bộ Trung Quốc. Khi nhà Polo thực hiện chuyến du hành, người đang cai trị là vị Đại Hãn cháu nội của huyền thoại Thành Cát Tư Hãn: Hốt Tất Liệt.
Như vậy, một nhà nước đã hình thành, vượt qua khuôn khổ các xã hội bộ lạc nhỏ, phân tán manh mún trên các vùng thảo nguyên Trung Á. Trong “Nguồn gốc Trật tự Chính trị”, Francis Fukuyama gọi nhà nước Mông Cổ thời kỳ này là mẫu hình của “Nhà nước săn mồi”, tức nhà nước bóc lột tàn nhẫn cư dân mà họ thống trị để phục vụ cho tầng lớp chóp bu. Họ không có sẵn một truyền thống về thể chế chính trị hoặc một học thuyết công lý để làm bệ đỡ. Hệ thống tổ chức lỏng lẻo, phi tập trung vừa là nguồn gốc sức mạnh to lớn nhưng cũng là điểm yếu của họ. Họ dễ dàng đi chinh phục nhưng khó cai trị dài lâu vì: Thiếu quy tắc rõ ràng về kế thừa, thiểu lãnh đạo thường trực, sự lỏng lẻo trong gắn kết, yếu kém trong năng lực tổ chức/hành chính => họ không thể cai quản lãnh thổ mà phụ thuộc vào các xã hội bị chinh phục dẫn tới tất yếu là sự suy yếu trong vài thế hệ.
Các ghi chép của Polo, lưu ý là qua ngòi bút của người bạn tù – văn sĩ lãng mạn Rustichello, như đã nói, cung cấp một sự bổ trợ quan trọng cân bằng với cái nhìn khát quát hóa của các lý thuyết gia như Fukuyama, người chuyên mô hình hóa các diễn tiến lịch sử và rút gọn thành các hình họa cơ bản để người đọc có thể dõi theo đường đi nước bước với những biến chuyển kế tục và đứt gãy của các cấu trúc cốt lõi. Câu chuyện của Polo cung cấp nhiều chi tiết trực tiếp, sống động với nhiều thiện cảm về các dân tộc và nhân vật lịch sử lừng danh mà ông gặp gỡ trên hành trình của mình. Lối sống, tập quán của các bộ lạc người sống trên thảo nguyên Mông Cổ, trên các vùng núi cao vút ở Tây Tạng; hình ảnh vị Đại Hãn Hốt Tất Liệt tiếng tăm lừng lẫy vang đến tận Đế chế La Mã mà xấu nhiều hơn tốt, các chiến binh Mông Cổ mà vó ngựa gây ra mối kinh khiếp trên khắp châu Âu bấy giờ, những người phụ nữ Mông Cổ siêng năng chung thủy, những người đàn ông hiếu khách đến mức nhường giường cho khách, Thượng Đô lộng lẫy xa hoa… cuộc du hành ngàn dặm đã đưa Polo đến gần với thế giới tinh thần của những người mà Đấng Tối cao chính là Thanh Thiên Vĩnh Hằng, vô tận, trong suốt và không hình không ảnh.
Tuy nhiên, nếu bập ngay vào chính cuốn sách Travels, người đọc có cơ bị lạc lối, bởi lối mô tả khoa trương, hoặc dẫu không khoa trương thì cũng là một hiện thực được lĩnh hội qua mắt nhìn và nhiệt huyết của chàng phương Tây trẻ tuổi đầu óc giàu phiêu lưu, trên hành trình đi đến kinh đô của một phương Đông lạ lẫm đương thì hoàng kim. Chưa kể, chuyện lại được thuật dưới ánh sáng hồi ức khi Polo đang trong cảnh tù đày nhớ lại quãng đời trai trẻ. Chưa kể nữa, các câu chuyện du hành kì lạ còn được thêm một lần hư cấu qua ngòi bút của anh chàng chuyên viết truyện lãng mạn Rustichello. Qua chừng đó lớp phản chiếu, hẳn độc giả bình thường khó mà lần ra đâu là thực tế và đâu là tưởng tượng, thậm chí bịa tạc.
Đó là lý do mà, thay vì đi thẳng vào tác phẩm Travels, hãy thử đọc trước cuốn sách này, với một người dẫn đường, sử gia hiện đại Laurence Bergreen, người đọc lại cho ta hành trình của Polo lần theo dấu vết lời kể, nhưng sẽ đóng vai người bạn đường thông thái để dắt dẫn, phân tích, đối chiếu ghi chép của Polo với các văn bản/ghi chép khác cùng các sự kiện lịch sử đã được ghi nhận, từ đó xây nên một hình dung gần đúng nhất về điều đã xảy ra, dĩ nhiên, không thể tránh những "suy diễn" của chính chính ông. Dù vậy, khả năng phân tích và “truy vết” của Bergreen đã được biết đến ở cuốn sách của ông mà Omega+ xuất bản cách đây 2 năm, về bốn chuyến hải hành của Columbus. Còn đây là tác phẩm tiếp theo của ông: “Marco Polo: Từ Venice tới Thượng Đô”, qua bản chuyển ngữ của Đào Quốc Minh.
Columbus: Bốn Chuyến Hải Hành (1492-1504)
Trong 5.000 năm lịch sử được ghi lại, Christopher Columbus là một trong các nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất. Dưới ngòi bút của Bergreen, Columbus hiện lên vô cùng thú vị và gây sửng sốt, không hẳn là một người hùng khám phá ra châu Mỹ như cách người ta vẫn nhắc đến – mà là một người đàn ông xuất sắc, táo bạo, hoang tưởng, mâu thuẫn, tàn nhẫn và cũng vô cùng bất hạnh.
Columbus là một nhà thám hiểm có tầm nhìn, một thủy thủ mang trái tim loài sư tử, một hoa tiêu bậc thầy, người giải phóng các bộ lạc bị áp bức. Nhưng ông cũng chính là điềm báo của tội ác diệt chủng, nhân danh một Đấng cứu thế Kitô giáo, ông trở thành kẻ vĩ cuồng mắc kẹt trong tham vọng đế vương.
Tác giả Laurence Bergreen tốt nghiệp Đại học Harvard, là thành viên của các tổ chức PEN American, Hiệp hội Tác giả và là Ủy viên quản trị của Thư viện thành phố New York. Ông cũng được biết đến là một sử gia, nhà viết tiểu sư với nhiều tác phẩm được vinh danh.
Từ những ghi chép của Columbus và những người đồng hành, cùng nguồn tham khảo đa dạng đáng tin cậy, Bergreen đã thuật lại một cách đầy lôi cuốn bốn chuyến hải hành đầy biến động mà từ đó Columbus đã “vô tình” khám phá ra Tân Thế giới – châu Mỹ ngày nay.
Cuốn sách chia rõ ràng thành 4 phần gắn liền với bốn chuyến hải hành sóng gió của Columbus. Từ đó mang lại một cái nhìn đa chiều cho độc giả về Columbus (những tham vọng, công trạng cũng như những tội ác và mâu thuẫn trong tính cách của ông) và di sản mà ông để lại.
CÁC GIẢI THƯỞNG ĐẠT ĐƯỢC:
New York Times bestseller
New York Times Editors’ Choice
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Columbus của Laurence Bergreen hiện lên vô cùng ấn tượng, bí ẩn, táo bạo với sự hoang tưởng và tàn nhẫn. Nổi lên từ câu chuyện này, như một sự bổ sung quý giá cho những áng văn về Columbus, là một hình tượng đầy tính kinh ngạc với những khám phá về một người đàn ông có thể trở thành nhân vật chính trong bi kịch của Shakespeare.” — Ian W Toll, The New York Times Book Review
“Bản tổng hợp những ghi chép mới và vô cùng phức tạp của Laurence Bergreen — Columbus: Bốn chuyến hải hành — [là] một thiên anh hùng ca đầy say mê, đồng thời cũng là sự tái hiện chân dung của một nhân vật phức tạp, quyến rũ và mâu thuẫn nhất từng dong buồm ra khơi.” — Jerelle Kraus, USA Today
“Trong bản tường thuật hồi hộp và không thiên vị về bốn chuyến hải hành đến “Tân Thê giới”, Bergreen đã làm hé lộ một Columbus đầy tài năng, quả cảm, thích phiêu lưu và cũng ẩn chứa nhiều những khiếm khuyết. Đây không đơn thuần là một nghiên cứu về tính cách, Bergreen miêu tả tâm tính của Columbus thông qua những hành động của ông, loại bỏ những suy tính đơn giản để phân tích sâu những động cơ thúc đẩy tâm lý.
Những chuyến hải hành, đặc biệt là hai chuyến cuối cùng, chính là chất liệu của một cuộc phiêu lưu vĩ đại, và Bergreen đã truyền tải một cách hiệu quả sự kinh ngạc, mối hiểm nguy, cùng sự hồ hởi đồng hành trong từng chuyến đi khám phá. Tác giả cũng miêu tả sinh động sự biến chất dần của cá nhân Columbus khi ông ngày càng trở nên cứng nhắc, nản lòng và chìm dần vào huyễn hoặc ảo tưởng. Một sự tái thẩm định tuyệt vời về tính cách cũng như sự nghiệp của một nhân vật lịch sử vĩ đại mang đầy tính tranh cãi.” — Jay Freeman, Booklis