Cốt truyện bắt nguồn từ một sự việc có thật xảy ra vào một ngày đầu tháng 3 năm 1497. Hôm ấy vua Lê Thánh Tông băng hà tại hoàng cung ở Đông Kinh (Thăng Long). Kỳ lạ thay, hai báu vật của người cũng biến mất.
...Mội thời kỳ lịch sử diễn ra trong khoảng mười ba năm mà ngai vàng năm lần đổi chủ, không thể nói lả ổn định. Năm vị vua cầm quyền và ra đi với các nguyên do khác nhau nhưng nhiễu động đổi ngôi liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền chính trị nước nhà, chi phối cả ước nguyện được sống bình yên của thần dân trăm họ. Sự bất ổn tạo cơ hội để tha hóa và tiêu cực sinh sôi, nó đã diễn ra dồn dập, vô hình trung lấn át và làm lu mờ một vài chính sách trị quốc đúng đắn của các đế vương. Ánh hoàng kim cường thịnh tắt dần sau ngày đức vua Lê Thánh Tông khuất núi, tuy đôi lúc chợt lóe sáng nhưng chẳng được bao lăm, giang sơn xã tắc từng bước nhuốm màu ảm đạm. Nhưng tất cả chỉ là sự mở đầu, mười mấy năm kể trên chỉ là trang đầu tiên của một quá trình dài hàng trăm năm thê lương bậc nhất trong lịch sử nền độc lập nước nhà, vốn nằm ngoài nội dung của truyện.
...Thâu tóm ấn kiếm "thuận thiên" để nắm giang sơn xã tắc là nguyên tắc và nhu cầu tất yếu của người ngự trị ngai vàng. Song các ngài còn có nhu cầu khác, cũng thiết tha không kém, đấy là truyền giống và thỏa mãn dục tính. Trong chính sử nhà Lê thường bắt gặp các câu chữ bình phẩm về cái sự bệnh hoạn vì nhiều vợ, háo sắc, hoang dâm và chơi bời vô độ của các vua đương triều. Tính hệ thống của loại từ ngữ nhạy cảm này cho thấy quan hệ tình dục của đế vương đạt tới tầm mức ghê gớm và sử sách chẳng cần che đậy. Lạc thú của nhà vua với "tập đoàn" hậu cung của ngài quả là một bể dục vô bờ, có thể nhấn chìm cả chủ nhân của nó. Hồng nhan trở thành nhân tố đặc trưng khó có thể tách rời cuộc sống hằng ngày của các vị, chi phối cả phẩm chất lãnh đạo của họ, đôi khi còn tác động mạnh mẽ vào cấu trúc thượng tầng quân chủ.
Sử sách viết về thời kỳ này có nhắc tới vai trò của một số nữ nhân là hậu, là phi của các vua, những đóa hồng thơm ngát long sàng nhưng lắm gai nhọn nên thi thoảng đâm rách thịt, thậm chí thấu tim chúa tể sơn hà. Thân phận đàn bà trong cung cấm thời quân chủ Lê Sơ dù là phi tần hay cung nhân vẫn nhuốm màu khinh bạc và lệ thuộc, chẳng hơn kém gì các triều đại trước và sau đấy. Song không hẳn vậy, có những lúc bằng lợi thế giới tính được sử dụng như một thứ vũ khí, họ đã "vùng lên", đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đòi cái mà mấy trăm năm sau người phương Tây gọi là "nữ quyền", nhằm chế ngự bản tính thống trị cố hữu của giới mày râu. Một cái liếc tình, mấy giọt nước mát, dăm câu nỉ non, vài lời hờn dỗi, tinh vi lắm cũng chỉ tới mức phô ra mác ái phi, mẫu hậu... "Vũ khí" của họ có vậy thôi, vậy mà đủ khiến nam vương đau tim buốt óc, soi xét kỹ ắt thấy địa vị đàn ông trong xã hội trọng nam khinh nữ ít nhiều bớt nặng. Những người đàn bà đổ bóng xuống ngai vàng của vua Lê có một vị trí đáng kể trong nội dung cuốn truyện.
Ma quỷ từ tâm địa con người mà ra cả, tự huyễn hoặc mình thì trước sau cũng gặp ma…
…Sau bữa hai viên thám tử mò đến hỏi han về cái chết của Đông Nhi, Nhân đứng ngồi không yên. Rà soát mấy lần gặp gỡ Diệu Linh, y cho rằng chẳng có gì đáng ngại, vậy mà lòng dạ vẫn bứt rứt khó tả. Trong đầu của gã đàn ông từng nhiều năm phiêu dạt hải hồ lại nghĩ tới bước đường bỏ xứ. Nhưng khi ngồi thừ mặt ngẫm ngợi, y tự an ủi rằng chưa phải lúc. Dư vị da thịt đàn bà ngất ngây quá, chẳng những tình cảm được bù đáp, thân xác còn đã nư, tựa như linh hồn cô đơn đói khát tìm thấy bến đậu no đầy, lòng nào mà từ bỏ? Đống tro nguội lạnh mới bùng lên ngọn lửa nồng nàn, âm thầm rời đi khác nào hắt thau nước cho tắt ngóm. Phải chi có nàng bên cạnh để cùng nhau toan tính.
Từ bỏ sao đặng, khi nỗi ám ảnh từ thời khắc ngắn ngủi gặp lại người yêu cũ ở ven hồ khiến Nhân phải trả giá bằng một giấc mộng kinh hoàng nhưng lòng không hề nao núng, vẫn bất chấp tất cả, đợi chờ nàng tìm đến. Ma quái còn chẳng chấp, chấp gi mấy câu dò hỏi vu vơ của hai tên công sai rỗi việc.
Đêm ấy trời mưa như trút, bốn bề mênh mang nước. Trong màn mưa sậm sì, có một cái bóng lờ nhờ trắng từ phía hồ hướng về túp lều của gã trai cô độc. Nó đẩy cửa bước vào, tiến lại gần chàng ta, nước từ trên người nhỏ thành vũng trên nền đất. Nhân sợ đứng tim, định kêu lên nhưng miệng chỉ ú ớ mà không thốt được một câu. Bóng ma vén mớ tóc lòa xòa để lộ khuôn mặt đầy cám dỗ, rồi cất tiếng thì thào:
- Linh đây mà, biết anh đã trở về nên em đến thăm. Anh hãy chờ một thời gian nữa, khi em đổi kiếp, chúng mình sẽ đoàn viên.
Đúng Linh thật rồi, Linh của ngày xưa, Linh của ban chiều thờ thẫn ven hồ. Mồm miệng đuợc "mở khóa", theo hiệu lệnh từ tim óc, Nhân buột lời say đắm nồng nàn:
- Anh nhớ em quá Linh ơi! Lúc tù tội đói khát hay khi bệnh tật hành hạ, anh vẫn mơ được ôm ấp em thêm một lần để có can đảm mà sống. Hãy lại đây với anh...
Trong ánh chớp chói lòa, thiếu phụ mặc đồ trắng nhe hàm răng ngập máu cười rờn rợn, gió thổi bay mái tóc bù xù, khuôn mặt xinh đẹp của Linh chỉ còn lại xương xẩu gớm ghiếc. Chốc lát, cái bóng tan biến vảo thinh không.
Sấm sét nổ váng trời, Nhân giật mình tỉnh giấc, mặt đầm mồ hôi. Gã thở phào nhẹ nhõm "Thì ra chỉ là một cơn mê". Ngoài trời mưa gió đang gào rú, dưới nền đất trong nhà, một vũng nước còn đọng lại…
Thông tin tác giả Hồng Thái
Hồng Thái Tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh