Đi cùng David Biggs đến đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ thấy mình bỗng nhiên chú ý đến sự bằng phẳng của nơi này, nước lững lờ trôi, cỏ cây quấn quýt, chú ý đến lượng mưa theo mùa, đến độ cao của thủy triều, đến địa hình không ngừng thay đổi của dòng sông cùng các kênh nước của nó.
Những thứ đầy mê hoặc và quyến rũ này sẽ lần lượt cung cấp bối cảnh để giúp bạn có được hiểu biết mới mẻ về tác động qua lại giữ cư dân Việt, Khmer, Hoa cùng những kỹ sư, nhà ngoại giao, cố vấn, thương nhân và binh lính đến từ Pháp, rồi sau đó là Mỹ.
Đầm lầy không chỉ là lịch sử xét lại về chiến tranh Việt Nam mà người đọc chắc chắn sẽ suy nghĩ lại những quan điểm mình đã có về cuộc chiến này trước khi gấp cuốn sách lại.
Bằng cách yêu cầu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận dòng sông cùng những con người của nó, bằng cách chỉ cho chúng ta biết mình có thể học hỏi thêm biết bao điều nhờ nhìn xa hơn những ẩn dụ để thấy được dòng nước thật, bùn thật, con người thật và cả lịch sử thật. David Beggs đã bộc lộ những hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và đất nước, vươn khỏi nơi tận cùng dòng Mekong đổ ra biển lớn.
Cuốn sách này như một bộ hồ sơ thực địa độc lập, đầy ấn tượng, công phu và bất ngờ. Nó cho thấy toàn cảnh và chi tiết về một dòng sông trên bờ vực lâm nguy.
Nhà nghiên cứu Judith Shapiro – tác giả cuốn China’s Environmental Challenges cho rằng, cuốn sách này là “lời ai điếu bi tráng cho một hệ sinh thái phức tạp mà sinh kế của hàng triệu con người phụ thuộc vào nó”.
Ngay từ khi vừa ấn hành, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ của Brian Eyler đã lập tức gây sự chú ý đặc biệt đối với giới chuyên gia môi trường và giới làm chính sách không chỉ tại châu Á và Việt Nam.
Với "Mekong, phù sa phiêu bạt", Khải Đơn thể nghiệm một hướng viết khác: du ký. Nhưng không phải du ký “check in” điểm đến, cảnh đẹp và ăn gì chơi gì. Đó không phải những chuyến du lịch chớp nhoáng, ào ào lũ lượt vội đến vội đi. Khải Đơn đi nhiều, nhưng ở mỗi nơi đi qua, cô đều cố gắng tìm đến những ngóc ngách ẩn mật, khám phá một đời sống che đậy bên dưới cái lạ, cái mới, sự hào nhoáng bề mặt.
Cuốn sách chia làm bốn phần: Thái Lan, Campuchia, Lào & Myanmar và Việt Nam. Đây là năm quốc gia hạ nguồn, đang thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn mà dòng Mekong mang lại. Nhưng đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi cực đoan đang diễn ra ở vùng thượng lưu dòng sông này. Không tham vọng chuyển tải những quan điểm mang tính đại tự sự, Khải Đơn lặng lẽ với những chuyến du hành cá nhân đơn độc để kể câu chuyện những số phận: số phận một giới tuyến, một cây cầu hay một con người vô danh lưu lạc...
Ở Campuchia, đó là những đứa bé nhà quê nghèo đói lên thành phố phục vụ tình dục cho khách Tây thích tìm “của lạ”, đó là ngôi đền nằm chênh vênh nơi đường biên giới Campuchia - Thái Lan, một điểm nóng tranh chấp, một đường biên mong manh vô hình có đời sống riêng. Ở Thái Lan, đó là những phận người hoang mang đi tìm lại bản dạng giới, là cung đường đẫm máu người trên chiếc cầu bắc qua sông Kwai huyền thoại, là vị sư quyết tâm giữ rừng cho quê hương, là thị trấn nơi những thuyền nhân Việt Nam ngày xưa dạt đến. Ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long thuộc Việt Nam, đó là những cồn lở, nhà trôi, những con cá khổng lồ chỉ còn trong huyền thoại. Ở Myanmar, đó là xung đột tôn giáo bên dưới vẻ bề ngoài tưởng chừng êm ả và cuộc truy quét cả một dân tộc bị cố tình nhấn chìm vào quên lãng. Và ở Lào, đó là phẳng lặng và cuộc sống an lành của một vùng đất giữ gìn truyền thống Phật giáo Tiểu thừa...
Những con người bình thường, những cảnh sống trôi nổi, những sinh phần buồn bã, lãng quên được lưu giữ lại trên trang viết của Khải Đơn có sức lấp lánh như những hạt phù sa lang thang mà dự phần làm nên cuộc sống lớn lao của Mekong, dòng sông có một lịch sử, một thực tại đặc biệt, một tương lai bất định.
Tác giả cũng hòa mình vào trong dòng chảy phù sa phiêu bạt ấy để trang viết ánh lên những giá trị của dấn thân, trầm tư, thấu hiểu và yêu thương.
Điều đó làm cho du ký của nhà văn trẻ này mang một sức sống hướng nội, một sự quyến rũ rất riêng, khó lẫn vào dòng chảy sách du ký của những người cùng thế hệ.