Combo Sách: Quản Trị Công Ty Thực Chiến - Bản Án Và Bình Luận - Bình Luận Án, Các Tranh Chấp Điển Hình Trong Quản Trị Công Ty - Soạn Thảo Hợp Đồng Thực Chiến (Bộ 3 cuốn)

296.000₫ 370.000₫
Trạng thái: Hết hàng

Tác giả: Luật Sư, Tiến Sĩ. Phạm Hoài Huấn ( Chủ Biên)

Hình thức bìa: Bìa mềm

Nhà xuất bản: NXB Chính Trị Quốc Gia

 

Combo Sách: Quản Trị Công Ty Thực Chiến, Bản Án Và Bình Luận - Bình Luận Án, Các Tranh Chấp Điển Hình Trong Quản Trị Công Ty - Soạn Thảo Hợp Đồng Thực Chiến - LS.TS. Phạm Hoài Huấn

1. Soạn Thảo Hợp Đồng Thực Chiến - LS.TS. Phạm Hoài Huấn (chủ biên)

Là Giám đốc Học viện Pháp luật thực hành, một đơn vị cung cấp các khóa đào tạo thực chiến dành cho luật sư thương mại và pháp chế, Luật sư Phạm Hoài Huấn đã nhận thấy tầm quan trọng của việc hướng dẫn kỹ năng soạn thảo hợp đồng cho những người làm công việc soạn thảo hợp đồng của các đơn vị, doanh nghiệp và từ đó đã dành tâm huyết biên soạn cuốn sách “Soạn thảo hợp đồng thực chiến”. Trên tinh thần “cầm tay chỉ việc”, cuốn sách mô tả khá chi tiết cấu trúc của hợp đồng, vai trò của những điều khoản phổ biến cũng như kỹ năng soạn thảo các điều khoản trong hợp đồng, đồng thời cung cấp một số ví dụ cụ thể mà người soạn thảo có thể tham khảo.

2. Quản Trị Công Ty Thực Chiến - Bản Án Và Bình Luận

Lời giới thiệu của anh Lâm Vũ Thao – Giám đốc Pháp lý Công ty Unilever Việt Nam

Khi thế hệ chúng tôi bước chân vào trường Luật – thời ấy là Phân hiệu Đại học Pháp lý TP. Hồ Chí Minh – vào đầu thập niên 90, khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân chỉ vừa mới hình thành. Hai đạo luật quan trọng mở đường cho sự hình thành các doanh nghiệp ngoài nhà nước là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đều mới được ban hành năm 1990. Với hầu hết người dân, những cụm từ “công ty cổ phần”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, thi thoảng nhìn thấy trên các biển hiệu hãy còn là những cụm từ lạ lẫm, và “cổ phiếu”, “cổ đông”, hay “cổ tức” chỉ là những khái niệm mơ hồ.

Với sinh viên luật khi ấy, học luật công ty cũng như đa phần các môn luật liên quan đến thương mại, chủ yếu chỉ trông cậy vào giáo trình và bài giảng của giảng viên. Sinh viên đến giảng đường trổ tài tốc ký để ghi được càng nhiều càng tốt, bởi lẽ các giảng viên đã nỗ lực mở rộng bài giảng của mình, đưa vào những tình huống thực tế còn ít ỏi để sinh viên có thể hiểu hơn những khái niệm pháp lý trừu tượng có thể trở thành những tranh chấp như thế nào trong thực tế. Ngoài ra, các nguồn tham khảo khác còn quá eo hẹp. Luật thì mới, cho nên sách về pháp lý bán ngoài các hiệu sách chủ yếu chỉ tập hợp lại luật và văn bản hướng dẫn thi hành, kèm theo một bài viết sơ lược mở đầu. Sinh viên cũng không được tiếp cận bản án, quyết định của tòa, một phần vì chưa có chủ trương công khai bản án, một phần vì tranh chấp hẳn còn ít. Vì vậy, sinh viên chủ yếu học “chay”, học luật chỉ dựa vào văn bản pháp lý, rất thiếu hình dung các quy định pháp lý đi từ văn bản đi vào thực tiễn sẽ có tác động ra sao, có thể tạo ra những trở ngại gì, điều chỉnh các mối quan hệ trong một pháp nhân như thế nào.  

Vài năm sau khi tốt nghiệp trường luật tại Việt Nam, tôi có cơ hội được tiếp tục học sau đại học ở nước ngoài. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi vào trường là choáng váng: choáng váng vì cách tranh luận giữa sinh viên và giảng viên; choáng váng bởi những cơ sở dữ liệu khổng lồ cho phép sinh viên truy cập vào tất cả bản án của tòa án các cấp; choáng váng bởi những thư viện mênh mông tràn ngập sách tham khảo pháp lý các thể loại. Tôi đặc biệt chú ý tới loại sách bình luận án. Loại sách này có hai đặc điểm: một, là chọn lọc  được những bản án quan trọng, có ảnh hưởng nhất trong một lĩnh vực pháp lý, và hai, là có phần bình luận án của tác giả, giúp người đọc hiểu thêm về vụ việc và những vấn đề pháp lý mà bản án đặt ra trong tương quan với những vụ việc tương tự hoặc có liên quan khác. Đọc án, rồi đọc bình luận án, xem các các thẩm phán lập luận, rồi xem tác giả phân tích những lập luận ấy, rồi lại đọc xem các tác giả khác đồng ý hay phản đối tác giả này như thế nào, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn các quy định pháp lý. Niềm mong ước lớn lao của cá nhân tôi ngày ấy là được đọc những cuốn sách tương tự như thế, viết về các đạo luật của Việt Nam, về các bản án và tranh chấp pháp lý ở Việt Nam.

Tính từ năm 1990 đến nay, thì khung pháp lý cho hoạt động của các công ty ở Việt Nam cũng đã đi những bước đi dài. Qua nhiều lần sửa đổi, thay mới, sáp nhập các luật với nhau, hiện tại điều chỉnh cho hoạt động của các công ty, không phân biệt khu vực kinh tế, là Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2020. Song song với sự phát triển khung pháp lý, các hoạt động nghiên cứu pháp lý cũng đa dạng và sâu hơn. Trong những năm gần đây, thể loại sách bình luận án do các tác giả Việt Nam soạn đã bắt đầu xuất hiện, và Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn là một con ong chăm chỉ của thể loại này. Anh đã viết, chủ biên hơn mười đầu sách pháp lý, trong đó có ba cuốn bình luận án, chưa kể hàng trăm bài báo phân tích các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn hoạt động, kinh doanh. Cuốn sách mà các bạn cầm trên tay, Quản trị Công ty thực chiến – bản án và bình luận, là đóng góp mới nhất của anh vào học thuật pháp lý với chủ đề luật công ty.

3. Bình luận án: Các tranh chấp điển hình trong quản trị công ty

 Luật pháp thường được cho là tĩnh và khô khan vì chỉ tập trung vào việc nêu quyền và nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ cụ thể và hậu quả pháp lý áp dụng khi có vi phạm. Quy định pháp luật chỉ bắt đầu bớt khô khan khi được áp dụng trên thực tế, đối với các chủ thể cụ thể, trong các hoàn cảnh cụ thể. Khi đó, quy định pháp luật ẩn chứa đằng sau là các học thuyết liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội và tự nhiên. Đặc biệt, khi các bên có tranh chấp được giải quyết tại Tòa án, thì bản án thể hiện quan điểm của cơ quan xét xử đối với cách áp dụng pháp luật trên thực tế về từng vấn đề pháp lý cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Chính vì vậy, bản án (bao gồm án lệ và bản án không phải là án lệ) ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình làm việc của luật sư, người hành nghề luật, giảng viên và sinh viên luật.

Cuốn sách này sẽ cung cấp đến độc giả: (i) Các tranh chấp mang tính điển hình trong quản trị công ty được trình bày theo trình tự thời gian từ khi các bên thỏa thuận thành lập công ty, vận hành, mở rộng quy mô bằng cách tiếp nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mới. (ii) Thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân các cấp tại Việt Nam về các tranh chấp này góp phần đem lại góc nhìn tham khảo về quan điểm xử lý và/hoặc thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án. (iii) Bình luận về cách áp dụng pháp luật của Tòa án đối với các tranh chấp được đưa ra.

Combo Sách: Quản Trị Công Ty Thực Chiến, Bản Án Và Bình Luận - Bình Luận Án, Các Tranh Chấp Điển Hình Trong Quản Trị Công Ty - Soạn Thảo Hợp Đồng Thực Chiến của tác giả LS.TS. Phạm Hoài Huấn

 

zalo