Các tuyển tập thường không cần biện giải. Tuy nhiên ở đây, một biện giải nào đó về việc xử lý dành cho Ethica [Đạo đức học] của Spinoza có thể là cần thiết. Mục tiêu đưa càng nhiều nội dung của Ethica càng tốt ra khỏi hình thức hình học của nó không phải là để cải thiện văn bản của tác giả, mà để đem lại cho độc giả bình thường một văn bản của Spinoza mà họ sẽ thấy đọc thoải mái hơn và dễ hiểu hơn. Với việc đại chúng hóa, người ta có thể tự tin nhận thấy, Spinoza chắc sẽ không phản đối. Chính ông cũng đưa ra một tuyên bố ngắn nổi tiếng về triết học của mình trong tập Tractatus Theologico-Politicus [Luận văn thần học-chính trị].
Độc giả bình thường của triết học chủ yếu, nếu không muốn nói là hoàn toàn, quan tâm tới việc nắm bắt một quan điểm triết học. Họ không hào hứng với những chi tiết quá tỉ mỉ, và lại càng ít quan tâm tới việc kiểm chứng các tuyên bố của tác giả để xem liệu vị ấy có nhất quán với chính mình không. Họ xem sự nhất quán ấy là đương nhiên phải có, cho dù không hề được bảo đảm như thế. Việc đọc liên tục bản Ethica nguyên gốc, cho dù chỉ theo một chủ đề, cũng là việc bất khả. Đề tài này thì chặt chẽ, nhưng các mệnh đề lại không gắn kết với nhau. Bằng cách lược bớt những tuyên bố chính thức về các mệnh đề, lược bớt những chứng minh và hầu hết những dẫn chứng tham khảo trong cùng tác phẩm, bằng cách tập hợp những phần có liên quan với nhau trong Ethica (với những đoạn tuyển chọn từ Tractatus de Intellectus Emendatione [Luận văn về sự cải thiện hiểu biết] và tuyển tập thư từ của ông, theo những tiêu đề từng phần như thế, văn bản trở nên liền lạc hơn. Đây có lẽ là lần duy nhất mà việc cắt xẻ một luận văn lại làm cho nó thống nhất hơn.
Trong phần Phụ lục, nguồn gốc của các đoạn tuyển chọn từ Ethica sẽ được nêu rõ. Việc xác nhận đầy đủ qua các cước chú sẽ là gánh nặng vô nghĩa cho văn bản. Cũng vì lý do tương tự, chúng tôi sẽ không cố sử dụng những cách thức thông thường để trình bày những việc sắp xếp và cắt tỉa của mình. Chúng tôi hết sức cẩn thận để không làm méo mó ý nghĩa của văn bản theo bất cứ kiểu nào. Và đó là điều quan trọng duy nhất cho một cuốn sách thuộc loại này.
Những đoạn tuyển chọn được lấy từ các bản dịch A Theologico-Political Treatise and A Political Treatise và Improvement of the Understanding của R. H. M. Elwes; và Ethics của W. H. White. Những bản dịch này cũng hết hạn tác quyền và do đó không cần xin phép nhà xuất bản. Tuy nhiên, họ xứng đáng nhận được lời cảm tạ chân thành ở đây.
White, trong bản dịch này, không phải là không có lý do, đã dùng thuật ngữ “affect” (tình cảm mãnh liệt/ mãnh cảm)1 thay vì từ thông dụng “emotion” (cảm xúc).“Affect” thì gần với nguyên bản Latinh hơn và chỉ rõ hơn vị thế siêu hình của các cảm xúc như những “dạng thức” hoặc “trạng thái” của Bản thể. Tuy nhiên, hầu như không ai đi theo cách dùng của White. Lý do cho việc này cũng không khó tìm. Ngoài việc là một thuật ngữ kém tự nhiên, không có vị thế Anh ngữ chính đáng, “affect” thường khiến văn bản trở nên cực kỳ tối nghĩa, thậm chí không hiểu được đối với người không có kiến thức nền về mặt đó, bởi vì ngoài việc cũng có nghĩa thông thường trong tiếng Anh, White còn dùng “affect” để chỉ “mode” (thức/ dạng thức) hoặc “modification” (thể/ biến đổi) (“affection” [trạng thái]) nữa. Do đó, trong tình huống này, tôi nghĩ nên đổi “affect” thành “emotion” và “affection” thành “modification” hoặc “mode”. Tôi cũng sửa phần White dịch Definition of Attribute bằng cách cắt bỏ chữ “if”. Tuy có những sửa chữa ấy nhưng bản dịch của White cũng đáng sử dụng vì nó là bản chính xác và mềm mại nhất hiện có.
Hơn nữa, trong bản dịch của cả White lẫn Elwes tôi đã nhất quán viết hoa chữ Nature theo đúng bản Latinh của Spinoza; hai ông đều viết hoa chữ này một cách tản mạn. Tôi cũng thay đổi chút ít cách ngắt câu thời Victoria của Elwes và cách phân đoạn quá trung thành của White. Các đoạn văn của Ethica, bản Latinh, thì cực dài. Những thay đổi ở đây chỉ ở hình thức bên ngoài và trong chừng mực mà tôi nghĩ là chính đáng và biện minh được. Nhưng thay đổi nhỏ trong nội dung, rất nhỏ và rất ít, ngoài những thay đổi nói trên, đều được chỉ rõ trong ngoặc vuông.
Tôi rất cám ơn ông Houston Peterson của Trường Đại học Columbia, vì đã gợi ý cho tôi việc sắp xếp một cuốn sách gồm những đoạn trích tuyển từ Spinoza. Tuy nhiên, chỉ mình tôi chịu trách nhiệm về việc tuyển chọn và sắp xếp, và việc đưa Ethica khỏi dạng hình học của nó. Giáo sư Morris R. Cohen, của trường College of the City of New York, đã đọc bản thảo này; tôi mang ơn ông ấy vì những gợi ý quý giá. Tôi cũng chịu ơn rất lớn của một người bạn (vốn không muốn được nhắc tới) vì sự giúp đỡ quý báu để bản thảo thành hình.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Spinoza là Đạo đức học chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời. Quan điểm của ông đối lập với Nhị nguyên tâm trí - cơ thể của Descartes, ngay lập tức đưa ông trở thành một trong những triết gia phương Tây quan trọng nhất. Georg Hegel từng nói "Spinoza là điểm thử thách của triết học hiện đại, tới mức ta cần phải thừa nhận: Hoặc ta theo Spinoza, hoặc ta không phải là triết gia."Thông qua những thành tựu triết học cùng tính cách con người.
Baruch Spinoza hay Benedict Spinoza (1632-1677) là một triết gia lớn người Hà Lan, tạo nên ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển của triết học phương Tây thế kỷ XVII-XVIII. Spinoza có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triết học phương Tây trên các phương diện bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học. Ông viết nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là Khảo luận về chính trị - thần học (Latin: Tractatus Theologico-Politicus) và tác phẩm đồ sộ Đạo đức học (Latin: Ethica).
Dưới góc độ của bản thể luận và chịu ảnh hưởng bởi thần học, Spinoza vẫn cho rằng Thiên Chúa chính là bản thể (substance), là tồn tại đích thực của thế giới. Nhưng ông không tán đồng với quan niệm của thần học Ki-tô giáo cho rằng Thiên Chúa là một Đấng Sáng thế có trước và tạo tác nên thế giới từ hư vô.
Ngược lại, ông lý giải rằng Thiên Chúa tự đồng nhất chính mình với Tự nhiên, Thiên Chúa chính là toàn bộ Tự nhiên nói chung. Thiên Chúa là nguyên nhân tự thân, nghĩa là Ngài tự vận động và tự biểu hiện chính mình trong vô hạn các sự vật, hiện tượng thuộc về Tự nhiên. Ý chí thần thánh hay quyền năng của Thiên Chúa không tách biệt với Tự nhiên mà phản ánh trong chính những quy luật tự nhiên mang tính tất yếu và tính phổ biến. Với những quan niệm này, thực tế là Spinoza đã phủ nhận Thiên Chúa với vai trò một Đấng Sáng thế, phủ nhận luôn cả sự tồn tại của cõi siêu nhiên, và ông gián tiếp khẳng định rằng Tự nhiên là cái tự thân tồn tại, vĩnh cửu và vận hành theo những quy luật thuộc về chính nó. Tư tưởng đồng nhất Thiên Chúa với Tự nhiên của Spinoza đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý thuyết cho một khuynh hướng tư tưởng triết học - thần học có tầm ảnh hưởng đáng kể: đó là phiếm thần luận (pantheism).
Trên phương diện nhận thức luận và đạo đức học, Spinoza cũng có những quan điểm đáng chú ý. Đối với nhận thức luận, Spinoza nêu lên rằng “một ý niệm đúng thì phải hài hòa với đối tượng của ý niệm đó”, nghĩa là tri thức đúng đắn thì nó phải đúng với đối tượng, phù hợp với đối tượng [khách quan].
Về đạo đức học, Spinoza chủ trương rằng: cảm xúc và lý trí là cơ sở của hành vi đạo đức, nếu chúng ta sống theo sự hướng dẫn của lý trí, thì chúng ta sẽ có những cảm xúc tích cực, những cảm xúc này sẽ thôi thúc chúng ta làm điều tốt và ủng hộ người khác làm điều tốt.
Có thể nói, Spinoza đã để lại dấu ấn của riêng mình trong dòng chảy tư tưởng của nhân loại. Đặc biệt, phiếm thần luận của Spinoza đã được các nhà tư tưởng thế hệ sau tiếp nhận theo những cách khác nhau và vẫn còn tạo nên nhiều cuộc tranh luận trong lĩnh vực thần học và triết học trên thế giới.