Cuốn sách này tập hợp các tư liệu gốc về 7 chuyến du hành của các sử bộ Anh Quốc tới Việt Nam, kèm theo những phân tích, giải thích của tác giả A. Lamb về bối cảnh lịch sử, mục tiêu của các sử bộ, cũng như những dữ liệu tiêu sử có liên quan. Đặc biệt có giá trị là bản báo cáo dài 81 trang của phái bộ Chap-man (1778), mà A. Lamb đánh giá là “bản ghi chép gần nhất với ngưỡng một tác phẩm văn học thực thụ ra đời trong hơn hai thế kỷ rưỡi tiếp xúc Anh - Việt”.
Những tường thuật về các lần đề nghị bang giao của Anh với Việt Nam trong thế kỷ 17, 18, và 19, mặc dù gần như không đạt được mục đích đề ra, lại chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng về diễn biến lịch sử Việt Nam qua một giai đoạn chứng kiến sự thay đổi từ xung đột Đàng Ngoài - Đàng Trong, trong những cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh - Nguyễn, tới một nước Việt Nam hợp nhất mà vua Gia Long chính thức sáng lập vào năm 1802.
Cùng với 36 bức tranh đen trắng tuyệt đẹp do A. Lamb tuyển chọn từ du ký của các nhà hải hành phương Tây, ghi chép của các sứ giả cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá về đời sống của người Việt thời xưa, với những miêu tả tỉ mỉ, sống động về trang phục, ẩm thực, kiến trúc, giao thông, luật lệ, nghi lễ, kinh tế và kỹ nghệ.
“Vị trí và khí hậu giúp đất nước này có khả năng trở thành một trong những quốc gia phát trên nhất trên thế giới, và theo tôi nghĩ, không ai có thể làm được điều này ngoại trừ những người dân ở đây, nếu như họ được đặt vào tay một chính quyền phù hợp. Do có vẻ là tộc người lành tính và thân thiện, nhưng cũng rắn rỏi và chăm chỉ, và ngay cả trong điều kiện bất lợi hiện tại, họ cũng bộc lộ được điểm này, thì hãy tưởng tượng điều họ có thể đạt được nếu được khuyến khích đúng đắn”. – J. W. Roberts, Vịnh Đà Nẵng, ngày 26 tháng Tám năm 1804
Về tác giả
Sinh năm 1930, là sử gia về quan hệ quốc tế. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (1958) và từng nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Malaya, Đại học Quốc gia Australia, Đại học Ghana, và Đại học Hatfield Polytechnic. Ông là thành viên Hiệp hội Khảo cổ London (Society of Antiquaries of London) và - Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á Hoàng gia Anh và Bắc Ireland (Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland).