Đã từng có một Đà Lạt thơ mộng, u hoài, trầm lặng đứng ngoài những huyên náo xô bồ, trong tác phẩm “Đà Lạt - một thời hương xa” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Vào thời hoàng kim của mình Đà Lạt là địa điểm sống lý tưởng của những tâm hồn thi sỹ. Nơi mà các văn nhân, họa sĩ, thi sĩ và các nhà văn hóa, nhà tri thức lớn đều tìm đến và lưu lại những dấu ấn của mình ở nơi đây. Từng con đường, quán xá đều mang hơi thở trong lành và bình dị của một thành phố “không son phấn”.
Phủi đi lớp bụi thời gian, phục dựng lại một thời vàng son của thành phố mộng mơ, tác giả mong muốn có thể thông qua những trang sách “gợi mở lối tiếp cận lịch sử đô thị nhân văn” cho những ai yêu mến, quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về Đà Lạt.
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa người đọc vào vùng khí quyển văn hóa tinh thần của Đà Lạt một thời thông qua các nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc và tình yêu của tác giả đối với con người và vùng đất lãng mạn bậc nhất này. Thông qua cuộc du hành về quá khứ, tác giả không chỉ đưa người đọc tìm về Đà Lạt của ngày xưa, để từ đó có thể hoài cảm, ngậm ngùi về một thời hoàng kim đã xa, mà còn khiến con người ta phải đặt ra câu hỏi trước thực tại, trước những vấn đề hiện thực Đà Lạt lúc bấy giờ.
“Đà Lạt, một thời hương xa” với hơn 200 hình ảnh tư liệu mới, cũ được chia ra ba phần: “Du hành thời gian”, “Không gian đã mất” và “Phụ lục” là những tư liệu liệt kê về giáo dục, du lịch, hoạt động thanh niên… trong giai đoạn 1954-1975 sẽ được tái bản trong tháng 8 này.
Trong lần tái bản này, bìa sách sẽ được chỉnh nhẹ với hình ảnh được dập nổi và có tone xanh.