Đương thời, vẫn còn nhiều người sống sót từ cuộc chiến mà người Pháp gọi là “Chiến tranh Đông Dương”, diễn ra từ năm 1945 đến năm 1953, đặc biệt là những quân nhân đã “đi Đông Dương” và đã giữ lại trong mình ký ức của những trận đánh trên đường số 4 hay ở Điện Biên Phủ. Tất cả, quân nhân hay dân sự, chắc chắn đều nghe nói đến Hồ Chí Minh, lúc đó cũng như mãi mãi, như một hình tượng ái quốc của dân tộc Việt Nam. Nhưng thời kỳ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX dường như đã tan vào màn đêm của thời gian và cũng chẳng còn những chứng nhân sống sót, trong khi đó chính là thời kỳ quyết định đến thái độ quan hệ với nhau sau này giữa kẻ chiếm hữu thuộc địa và người dân thuộc địa. Và cũng có “hình tượng” của mình, một anh hùng dân tộc người An Nam, đầu lĩnh giặc cỏ đối với chính quyền Pháp: Hoàng Hoa Thám, được gọi là Đề Thám.
Từ căn cứ bất khả xâm phạm của mình ở vùng thượng Yên Thế, vùng đất cỏ cây dày đặc và địa hình lượn sóng cách Hà Nội khoảng năm mươi cây số về phía bắc, trong một phần tư thế kỷ ông đương đầu với những đội quân Pháp đông hơn quân của ông gấp hai mươi lần. Chưa bại trận trên chiến trường, cái chết của ông vào năm 1913 là kết quả của hoạt động mật thám, thành công nhờ vào những kẻ phản bội.
Chỉ là một chú bé chăn trâu thời thơ ấu, trong chiến đấu ông chứng tỏ mình là một chiến lược gia đáng sợ và là một chiến thuật gia không kém phần giỏi giang, đến mức nửa thế kỷ sau đội quân Việt Minh đã học tập cách chiến đấu của ông.
Sinh thời, những người ngưỡng mộ Đề Thám đặt biệt danh cho ông là “hùm thiêng Yên Thế” do sự khéo léo và dũng mãnh của ông. Người ta có thể đọc thấy điều đó qua ngòi bút của một sĩ quan Pháp trong đội quân lê dương khi đến lượt anh ta phải đương đầu với ông: “Cuối cùng, cũng như rất nhiều người khác, tôi truy đuổi Đề Thám, tên phỉ đáng ngưỡng mộ [nguyên văn], kẻ mà những người bản xứ gọi là Ngài vì ông châm đốt Pháp không dứt và biến mất như lọt qua kẽ ngón tay mỗi khi người Pháp dồn đuổi ông!”
Ngày nay, tên ông không chỉ được đặt cho một trong những con phố dài nhất Hà Nội, những chiến công của ông đã lùi sâu trong dĩ vãng song kỷ niệm về người anh hùng yêu nước của Việt Nam vẫn còn lại, sống động trong ký ức của con người Việt Nam.
+NHẬT XÉT:
“Đề Thám lúc sinh thời vốn là nông dân. Từ khi còn rất trẻ ông đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống lại cuộc xâm lược của người Pháp ở Bắc kỳ. Từ năm 1885 đến giữa những năm 1890 là phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, dưới sự lãnh đạo của các nho sĩ và thu hút sự tham gia của nông dân. Phải mất mười năm chính quyền thuộc địa mới dập tắt được phong trào ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Nhưng ở Yên Thế, một vùng trung du cách Hà Nội khoảng sáu mươi cây số, cuộc chiến vẫn tiếp tục tới mười lăm năm nữa dưới sự lãnh đạo của một người nông dân, Đề Thám.
Claude Gendre kể cho chúng ta về cuộc chiến ở góc độ này, góc độ mà những công trình sử liệu Pháp xưa nay vẫn thường bỏ qua phong trào Cần Vương và chưa hề nghiên cứu tới.
Tác giả cũng cho chúng ta thấy chân dung một con người phi thường, và làm sáng tỏ những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc Việt Nam, dân tộc cuối cùng đã giành được hòa bình và đang theo đuổi những triển vọng lý thú.”
Charles Fourniau
“Vì vậy, ngoài việc chỉnh sửa lại những khẳng định hồ đồ hoặc phản sự thật trong văn học Pháp dành cho Đề Thám đến ngày nay, cuốn sách này còn đặt ra nhiệm vụ mang đến cho bạn đọc những khía cạnh khác nhau của một nhân vật vừa nhạy cảm vừa quyết đoán, hành động vì lý tưởng ái quốc bất khuất, một thủ lĩnh tài ba, đầy tình người trong niềm tin và trong những điều mê tín mà ông có chung với tầng lớp nông dân Bắc kỳ nơi ông xuất thân. Cuối cùng, trong cuốn sách này, cuộc đời và hành động của ông được đặt vào bối cảnh của thời kỳ ông sống, một thời kỳ tiên báo cho những cuộc nổi dậy vẫn còn để lại dấu ấn cho đến thời đại của chúng ta.”