Xuất bản lần đầu năm 1968, trải qua hơn nửa thế kỷ thử thách thời gian, tiểu thuyết “Đèo Shiokari” của nhà văn Ayako Miura vẫn vẹn nguyên giá trị nhân văn cao đẹp. Tác phẩm dựa trên sự kiện có thật về ông Nagano Masao, người đã hy sinh mạng sống để cứu một toa tàu chở đầy hành khách trên đoạn đèo Shiokari, Hokkaido, Nhật Bản, ngày 28 tháng 2 năm 1909.
Câu chuyện là hành trình trưởng thành của thiếu niên Nagano Nobuo cùng thời khắc hy sinh anh dũng ở tuổi ba mươi. Mười năm đầu đời, Nagano Nobuo được chính tay bà nội nuôi nấng, chỉ biết rằng mẹ mình đã mất từ lâu. Vốn xuất thân trong một gia đình võ sĩ quyền quý nên suốt tuổi thơ, anh bị gieo rắc vào đầu tư tưởng cao ngạo về xuất thân danh giá cùng định kiến về Kito giáo. Ấy vậy mà đến ngày bà nội đột ngột ra đi, anh mới hay mẹ ruột của mình vẫn còn sống, hơn nữa còn là một con chiên ngoan đạo. Được đoàn tụ với cha mẹ, song Nobuo vẫn lạc lõng giữa một gia đình mà mỗi bữa ăn đều phải làm nghi thức cầu nguyện xa lạ. Những định kiến hằn sâu trong nhận thức khiến anh không bao giờ có thể xem mình như một phần của họ.
Tuổi hai mươi, Nobuo lại phải hứng chịu nỗi đau khi cha cũng đột ngột ra đi như bà. Sự phù du của kiếp người buộc anh phải chấp nhận sự thật rằng hễ có sinh ắt có diệt, có hội ngộ ắt có biệt ly. Đó là cái mốc để anh khởi đầu hành trình tự vấn bản thân, buông bỏ thói tự mãn tin mình là đoan chính mà tỏ tường tội lỗi nguyên thủy ẩn sâu bên trong. Anh dần bước qua rào cản định kiến, thức tỉnh khỏi trầm luân. Không lý tưởng khuôn sáo, mọi nghĩ suy trần tục của Nobuo đều bắt nguồn từ sự mông muội, kiêu hãnh và cố chấp tiềm tàng trong nhận thức của chúng sinh. Xuất phát điểm của anh không hơn kém ai, cũng từng va vấp, lầm lạc. Nhưng qua tấm gương người tốt kẻ xấu bên mình, anh lĩnh ngộ được bao điều từ hỉ nộ ái ố, khổ lạc sinh tử, để tu dưỡng bản thân, nhẹ nhõm chọn lối sống vì mọi người.
Sự kiện ở đèo Shiokari ập đến khi Nobuo đang sống những tháng ngày tươi đẹp nhất. Một ngày tuyết rơi trắng xóa cuối tháng Hai, anh đã hy sinh thân mình chắn ngang đoàn tàu sắp lật trên đoạn đèo này. Anh chết để cho muôn người được sống. Anh hy sinh để cho muôn người biết yêu thương, biết sống trọn vẹn và trân trọng từng ngày.
Kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1968, tác phẩm đã bán được hơn 3,7 triệu bản, được dịch sang tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác, đồng thời chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1973, gặt hái nhiều thành công lớn. Tác phẩm được đưa vào giảng dạy môn đạo đức trong trường trung học ở Nhật Bản một thời gian dài.
Thông tin tác giả Miura Ayako
Nhà văn Ayako Miura (1922 - 1999), sinh ra tại thành phố Asahikawa, Hokkaido, Nhật Bản. Năm 17 tuổi, bà là giáo viên tiểu học, nhưng sau khi Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, bà đã nghỉ việc. Không lâu sau đó, bà phát hiện bị lao phổi và thoái hóa cột sống, vì thế đã phải trải qua 13 năm chiến đấu với bệnh tật. Trên giường bệnh, bà đã tìm đến với Kito giáo. Năm 1964, bà nhận được giải thưởng 10 triệu yên cho tiểu thuyết xuất sắc “Băng điểm”. Sau đó, bà hoạt động với tư cách là nhà văn tại thành phố Asahikawa, với những tác phẩm tiêu biểu như “Đèo Shiokari”, “Gió vẫn cứ thổi”, “Cánh đồng hoang Thiên Bắc”, “Nòng súng”. Năm 1998, bà đã khánh thành Hội quán văn học Ayako Miura tại Asahikawa. Bà đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, văn hóa và tôn giáo danh giá, đặc biệt, năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã trao Huân chương Văn hóa cho Ayako Miura, ghi nhận những đóng góp to lớn của bà cho nền văn học và văn hóa Nhật Bản.