Các công trình kiến trúc gắn bó với đời sống con người ở nhiều góc độ, như nhà ở hay các cửa hàng thì gần gũi quen thuộc, giáo đường hay đền đài tưởng niệm lại cầu kỳ và tôn kính. Mỗi ngày chúng ta đi qua và nhìn ngắm, rồi sử dụng nhiều loại công trình khác nhau, những không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ kiến trúc và câu chuyện lịch sử mà chúng đang lột tả.
Được thiết kế như một cuốn “từ điển” nhỏ gọn kèm minh họa minh họa về ngôn ngữ kiến trúc, “Đọc hiểu công trình kiến trúc” của Carol Davidson Cragoe giúp người đọc hiểu rõ hơn về các phong cách và những thành phần kiến trúc cơ bản của các dạng công trình, từ những công trình nổi tiếng cho đến gần gũi nhất.
Cuốn sách được cấu trúc để giới thiệu toàn diện về vốn từ vựng của ngôn ngữ kiến trúc, làm cho nó trở nên dễ tiếp cận cho cả người mới bắt đầu và những người đã có kiến thức nhất định về kiến trúc.
“Đọc hiểu công trình kiến trúc” của Cragoe được đánh giá cao nhờ các giải thích rõ ràng, cô đọng đi kèm các hình minh họa ở dạng bản vẽ hữu ích, giúp người đọc nhận diện một cách trực quan và diễn giải được các chi tiết kiến trúc mà họ có thể sẽ nhận thấy ở các công trình khác nhau. Nó đóng vai trò như một “khóa học nhanh” (crash course) cho bất kỳ ai quan tâm và muốn tìm hiểu kiến trúc, lịch sử các phong cách; và còn là một cuốn sổ tay tham khảo thuận tiện cho những tâm hồn chủ động tìm kiếm và tận hưởng các không gian kiến trúc khi tham quan du lịch hoặc đơn thuần vô tình bắt gặp một công trình.
Những điểm nổi bật của cuốn sách Đọc Hiểu Công Trình Kiến Trúc
Cuốn sách nhỏ gọn, có hình minh họa trực quan theo từng phần nội dung.
Cuốn sách đóng vai trò như một cẩm nang giới thiệu chung về các loại công trình cơ bản, các thành phần thường có của chúng và ngôn ngữ đặc trưng của các phong cách kiến trúc.
Kiến thức trong sách phổ quát nhưng cô đọng với hàm lượng lớn, văn phong ngắn gọn.
“Đọc hiểu công trình kiến trúc” đi cùng loạt “A crash course series” với cuốn “Đọc hiểu tác phẩm hội họa”. Hai cuốn sách sử dụng cùng một cách tiếp cận với hai lĩnh vực khác biệt là hội họa và kiến trúc, tìm hiểu về ngôn ngữ hay phương thức biểu đạt của từng lĩnh vực, từ đó biến chúng trở nên gần gũi và dễ nắm bắt hơn với độc giả.
Ý nghĩa của bìa sách Đọc Hiểu Công Trình Kiến Trúc
Bìa sách lấy cảm hứng từ ý tưởng của bìa gốc, rằng những công trình kiến trúc được xây dựng luôn có cội rễ bắt nguồn từ những phong cách đã có trước đó, nhưng được biến đổi và phát triển theo thời gian cùng nhu cầu trong đời sống con người và những chuyển biến và phát minh mới về kỹ thuật công nghệ.
“Đọc hiểu công trình kiến trúc” là cuốn sách dành cho bất kỳ độc giả yêu thích kiến trúc nói chung và muốn trau dồi vốn hiểu biết về lĩnh vực này nói riêng. Nó đặc biệt hấp dẫn những bạn đọc quan tâm hoặc học sinh, sinh viên trong ngành đã phần nào hiểu về lịch sử kiến trúc và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về dòng chảy các phong cách từ Cổ điển đến Hiện đại. Ngoài ra, cuốn sách còn là nguồn tài liệu quý báu cho những chuyên gia trong ngành muốn có những đầu sách tham khảo nhỏ, gói gọn kiến thức cô đọng để sưu tầm hoặc giới thiệu cho người quen về lĩnh vực của họ.
Cuốn sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc” nằm trong Tủ Nghệ thuật, nhóm sách Cảm thụ nghệ thuật của Omega Plus.
Đánh giá nhận xét chuyên gia dành cho cuốn sách Đọc Hiểu Công Trình Kiến Trúc
“...cuốn sách bỏ túi chứa đầy hình minh họa dễ tra cứu là một công cụ tham khảo hữu ích.” - Elle Decor
“Cuốn sách hướng dẫn khổ nhỏ này có sự mê hoặc, chính yếu bởi thiết kế thu hút và sự chọn lọc tinh tuyển các hình vẽ minh họa khéo léo được in màu đẹp mắt.” - Interior Design
“Tôi để cuốn Đọc hiểu công trình kiến trúc trên đầu giường mình trong vài tuần, và bạn có thể tin chắc rằng cuốn sách này sẽ theo chân tôi, đồng hành cùng trong chuyến đi đến châu Âu vào tháng tới.” - James H. Schwartz viết cho tạp chí Preservation
Trích đoạn sách Đọc Hiểu Công Trình Kiến Trúc
“Kiến trúc - nghệ thuật của công trình - có ngôn ngữ của riêng nó và đọc hiểu các công trình kiến trúc cũng giống như việc đọc bất cứ ngôn ngữ nào: bạn cần hiểu các bộ phận cấu thành cơ bản trước khi bắt đầu, nhưng khi đã nắm chắc cấu trúc ngôn ngữ, bạn có thể đọc hiểu mọi thứ.
Ba khía cạnh chính cấu thành ngữ pháp của ngôn ngữ kiến trúc là: các phong cách theo thời kỳ, các loại công trình khác nhau và các vật liệu cấu thành; cả ba điều này ảnh hưởng lớn đến diện mạo của công trình [...]”
Là một học giả danh tiếng chuyên về lịch sử kiến trúc, tác gia và giảng viên được đào tạo chuyên sâu tại Đại học New York và Trường Birkbeck, thuộc hệ thống Đại học London (University of London).
Cô có biệt tài dẫn dắt người xem ngắm nhìn các công trình và chỉ ra cách mà những công trình kể câu chuyện của nó.
Cô là biên tập viên giàu kinh nghiệm trong mảng kiến trúc cho nhiều tổ chức uy tín như Đại học London với chuỗi bài về Victoria County History và gần đây nhất là cho dự án nghiên cứu về lịch sử và di sản kiến trúc của các nhà thờ Anh quốc thuộc tổ chức Di sản Anh.