“Đốm xanh mờ” là bức ảnh chụp Trái Đất vào ngày 14 tháng 2 năm 1990 bởi tàu Voyager 1 của NASA ở khoảng cách 6 tỷ km tính từ Mặt Trời. Trong bức ảnh mang tính biểu tượng đó, kích thước biểu kiến của Trái Đất chỉ khoảng 1 pixel. Hành tinh xanh của chúng ta trông chỉ như một đốm nhỏ nhoi cô đơn trong không gian mênh mông vô tận, chính điều này đã truyền cảm hứng cho Carl Sagan viết cuốn sách cùng tên.
Xuyên suốt “Đốm xanh mờ”, Carl Sagan xem xét những tuyên bố phổ biến được đưa ra trong toàn bộ lịch sử loài người, rằng thế giới và loài của chúng ta là duy nhất, thậm chí là trung tâm và mục đích của Vũ Trụ. Cùng với đó, từ những khám phá về Hệ Mặt Trời mới nhất, tác giả hình dung về tương lai dài hạn của con người trong không gian, về những thế giới khác và những gì đang chờ đợi con người ở đó và chúng nói lên điều gì về bản thân chúng ta, và liệu có hợp lý để rời bỏ Trái Đất hay không, hay chúng ta vẫn có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách mà loài người đang phải đối mặt. Ngay cả khi tiếng gọi của con đường rộng mở bị tắt lặng trong thời đại ngày nay, yếu tố trung tâm của tương lai loài người vẫn còn nằm ở xa ngoài Trái Đất như thế nào, chúng ta vẫn có thể lạc quan vào tương lai của mình trong không gian.