10.000 km, 99 ngày, và vô vàn những câu chuyện được kể qua từng họa tiết, sắc màu trên trang phục – đó là hành trình của cựu nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã đi để viết nên “Du khảo: Rực rỡ sắc màu trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam”.
Nhà báo, đạo diễn Bông Mai, cựu ca sĩ nhóm nhạc Con gái, đã thực hiện hành trình 99 ngày xuyên Việt một mình qua các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long…trong hành trình dài hơn 10.000 km, qua 44 tỉnh thành phố, 80 thôn bản và check - in 4 cực của Việt Nam, chinh phục tất cả các cung đường, kể cả những cung đường đèo được cho là rất khó với các phượt thủ.
Chuyến đi này, ngoài việc truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ dám sống một cuộc đời rực rỡ, còn với mục đích là khám phá, tìm hiểu về văn hóa, phong tục và cuộc sống của 54 đồng bào dân tộc trên mọi miền đất nước. Chị đã có cơ hội gặp gỡ người dân 35 dân tộc, chụp và ghi hình 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca. Chuyến đi không chỉ là cơ hội để chị trải nghiệm cảnh đẹp mà còn gặp gỡ nhiều con người mới, đến với những sắc màu văn hóa mới. Lần đầu chị được gặp bà con các dân tộc mà trước đây chỉ có cơ hội nhìn thấy trên báo, trên mạng internet.
Lời Nhà xuất bản: “Cuốn sách Du khảo: Rực rỡ sắc màu trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam (A Brilliant Visual Journal: Vietnamese Women’s Ethnic Costumes) do Nhà báo - Đạo diễn Nguyễn Bông Mai làm chủ biên, là một hành trình giàu cảm xúc, đã phác họa bức tranh văn hóa Việt Nam qua các bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ được sử dụng thực tế hằng ngày… Thông qua hình ảnh những bộ trang phục đầy màu sắc của người phụ nữ dân tộc/nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung, miền Nam, một diện mạo văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc được tái hiện chân thực, sinh động, góp phần cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn đương đại về nữ phục các dân tộc/nhóm dân tộc, từ đó mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu mến, gắn bó với vùng đất, con người, quê hương và đất nước.”
Cuốn sách tên là Du khảo, tức là đi và khảo cứu, chứ không thuần là du lịch. Cuốn sách trình bày 54 trang phục của 35 dân tộc với cấu trúc: Một đoạn nhật ký đi – gặp – trò chuyện để giới thiệu về dân tộc đó; từ vị trí địa lý, cư trú, ngôn ngữ, các phục trang chủ yếu: áo, váy, quần, khăn, đai lưng, xà tích, vòng, tạp dề, yếm, mũ, xà cạp… Sau đó là cách thức, kỹ thuật dệt, thêu, nhuộm, in, đính cườm…Rồi mới kết ở ý nghĩa hoa văn, nguồn gốc. Mỗi trang phục đều kèm thêm hình vẽ minh họa sinh động, màu sắc trung thực, đẹp mắt.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Đọc sách, tra cứu tài liệu, tìm hiểu kỹ về tộc người mà mình sẽ đến. Đến nơi là gặp gỡ, trò chuyện với người dân địa phương, ghi chép tỉ mỉ, chụp hình, cước chú rõ ràng người dân tộc gì, xã, huyện, tỉnh nào? Và thú vị nhất là cả ngày, tháng, năm, như một nhật ký hành trình. […] Tất cả những việc đó không thừa, giúp cho tác giả rất nhiều trong quá trình xử lý tư liệu khi làm sách và là một yếu tố thuyết phục người đọc về độ xác tín của Du Khảo.”
Cuốn sách này không chỉ là những trang giấy để bày trên kệ. Đó là nhịp thở của văn hoá sống động, dành cho bạn – người yêu vẻ đẹp Việt Nam, cho nhà làm phim, kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang, hay bất kỳ ai cần cảm hứng từ di sản giàu bản sắc. Đây là kết quả của đam mê, kỉ luật, và những ngày tháng cắm trại giữa mưa rừng và sương núi. Nhưng hơn tất cả, đây là tình yêu mà tác giả dành cho những người phụ nữ đã gặp trong chuyến đi – nơi mỗi chi tiết thêu dệt nên một phần cuộc đời, nơi văn hoá không chỉ là điều ta đọc được, mà là những gì ta có thể cảm nhận và chạm vào.