Cuốn hồi ký gồm những câu chuyện về những thăng trầm cuộc đời của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng từ năm 1945. Vào những năm 1967, khi đang là bác sĩ công tác tại Ủy ban Liên lạc văn hóa với người nước ngoài, do giỏi tiếng Pháp, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens và Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh. Cơ duyên này đã tạo nên bước ngoặt, khiến bà quyết định trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu.
Năm 1968, bà trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại Phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình Việt Nam bây giờ. Bà đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía bắc, và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30.4.1975…
Nhận xét
"... Bằng giọng kể đơn giản, chân thực, ở bất cứ đoạn nào của cuộc đời chị cũng có sự độ lượng, không cán trách, than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người, những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của mình." - NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phan
"Có một cảm giác đặc biệt khi đọc “Ganh gánh... Xóng góng..." là thấy trước mắt không phải là những dòng chữ, mà là lời nói, là hơi thở, là máu và nước mắt của chị đang chảy." - NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn
"Đây là một trong những hồi ký tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc. Tác giả và những người xung quanh giống như những người anh hùng. Sự nguy hiểm và thiếu thốn mà họ phải chịu đựng trên con đường giải phóng dân tộc thật đáng kinh ngạc. Sự bao dung và phóng khoáng của người phụ nữ ấy đã vượt qua mọi sóng gió và truyền cảm hứng mãnh liệt cho người đọc. Đây là bài học sâu sắc trả lời câu hỏi cho những người Mỹ vẫn đang bối rối rằng, vì sao một dân tộc nghèo và nhỏ bé như vậy lại có thể chiến thắng" - Nhà văn Robert Macneil
.............
Đạo diễn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Cha bà là Thanh tra Học chính kiêm hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất tại Đà Lạt khi đó. Tháng 6/1945, bà quyết định đi theo kháng chiến khi mới 16 tuổi. Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trước khi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường.
Đạo diễn Xuân Phượng ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974), “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975), “Khi những nụ cười trở lại” (1976), “Hai tiếng quê hương” (1978), “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979)… Tuy nhiên, những bộ phim tài liệu dù lừng lẫy đến đâu cũng không thể phản ánh hết cuộc đời nhiều thăng trầm của đạo diễn Xuân Phượng. Từng được đào tạo ngành y, rồi làm công nhân ở xưởng chế tạo chất nổ, rồi làm thông dịch viên ngoại giao, rồi làm truyền hình… Thậm chí, có giai đoạn đạo diễn Xuân Phượng còn đảm nhận vị trí Trưởng phòng khám Nhi quận Ba Đình - Hà Nội, mà một bệnh nhân đến bây giờ vẫn nhớ ơn bà là nhà văn Bảo Ninh.