Nếu là người Sài Gòn hoặc yêu mến Sài Gòn, có thể bạn từng nghe nói về ba bài vịnh xa xưa về thành phố này? Ai là tác giả của ba bài vịnh đó? Cuốn sách “Gia Định phong cảnh vịnh” do cụ Trương Vĩnh Ký chép lại và dẫn giải vào năm 1882 sẽ mang đến những điều kỳ thú, cũng là những bí ẩn của Gia Định - Sài Gòn xưa.
Khi nhắc đến những áng văn thơ cổ về Sài Gòn - Gia Định, người ta không quên ba bài phú rất nổi tiếng: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh.
Cụ Trương Vĩnh Ký chép ra chữ Quốc ngữ và dẫn giải ba bài vịnh này vào năm 1882.
Trong ba bài thì "Gia Định thất thủ vịnh" không rõ tác giả là ai. Hai bài kia (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh) thì cụ Trương Vĩnh Ký cho rằng của Ngô Nhơn Tịnh, tuy sau này có người đặt giả thuyết rằng thuộc về tác giả khác.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có viết lời giới thiệu và chú thích một số điểm trong ba bài phú nói trên trong lần tái bản kỷ niệm Sài Gòn ba trăm năm (1997).
Năm nay (2023) chúng ta lại in tái bản để nhắc nhớ về Gia Định - Sài Gòn xưa, để thấy miền Nam đã thay đổi rất nhiều, căn cứ trên cái nền là những di sản vật chất và tinh thần của vùng đất này. Chúng ta càng trân trọng tinh thần vươn lên phát triển của cộng đồng, của dân tộc Việt nam.