Những tác phẩm thơ ca trong cuốn sách được sắp xếp theo thể loại gồm ngũ ngôn, thất tuyệt, ngũ luật, thất luật, cổ thi, với các bài thơ Đường và thơ trung đại Việt Nam nổi tiếng như: Xuân hiểu (Mạnh Hạo Nhiên), Điểu minh giản (Vương Duy), Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lí Bạch), Đăng cao (Đỗ Phủ), Tì bà hành (Bạch Cư Dị),…; Quốc tộ (Pháp Thuận Thiền sư), Trại đầu xuân độ (Nguyễn Trãi), Cảm hoài (Đặng Dung), Côn Sơn ca (Nguyễn Trãi), Tùng (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Sa hành đoản ca (Cao Bá Quát),…
Bố cục mỗi bài trong cuốn sách gồm Nguyên văn, Chú giải, Giới thiệu bộ thủ, Bài tập. Phần Chú giải xác định cách cấu tạo chữ Hán, tra cứu nghĩa cơ bản, mở rộng từ Hán Việt, từ cùng trường nghĩa, từ đồng âm, từ tương cận hình thể,…
Tổng số chữ Hán được giải nghĩa trong cuốn sách này khoảng 1500 chữ (gồm hơn 500 chữ thuộc phần Giải nghĩa chữ Hán trong thơ Đường và khoảng 1000 chữ thuộc phần Giải nghĩa chữ Hán trong thơ trung đại Việt Nam).
Phần Giới thiệu bộ thủ tầm nguyên khoảng 100 bộ thủ, gồm minh họa diễn biến hình thể, bộ thủ liên quan, chữ minh chứng, thành ngữ. Phần Bài tập giúp người học củng cố, mở rộng kiến thức về văn tự và thơ cổ.
Bên cạnh đó, các Phụ lục trong cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc tra cứu thêm các chữ Hán chưa được giải nghĩa trong từng bài thơ; tìm hiểu thêm về bộ thủ cũng như phần phiên âm, dịch nghĩa 100 bài thơ và bản dịch 50 bài thơ Đường; chỉ dẫn cách tra cứu khoảng 1500 chữ Hán được giải nghĩa trong cuốn sách, mỗi chữ Hán xuất hiện trong một ngữ cảnh cụ thể của tác phẩm.
Cuốn sách Giải nghĩa chữ Hán trong thơ Đường và thơ trung đại Việt Nam góp phần giúp học sinh, sinh viên, giáo viên, những người nghiên cứu, học chữ Hán,… thuận tiện hơn trong quá trình học tập, tìm hiểu về chữ Hán cũng như các tác phẩm văn học cổ phương Đông.